“Hãy cầu xin bằng tiếng Tây Ban Nha”, Duo, một con cú màu xanh ra lệnh. Đó là một bức ảnh chế (meme) được lan truyền trên Twitter với ý nghĩa chú cú này sẽ “săn lùng” người dùng bằng được nếu không hoàn thành bài học tiếng Tây Ban Nha trong ngày.
Chú cú xanh lá sống động chính là biểu tượng của Duolingo, ứng dụng học ngôn ngữ cực kỳ nổi tiếng với hơn hơn 500 triệu lượt tải xuống trên toàn thế giới.
Mặc dù meme là một trò đùa, sự nổi tiếng của Duolingo là thật. Được tạo ra vào năm 2012 bởi thiên tài máy tính Luis von Ahn - cha đẻ của mã CAPCHA, Duolingo đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu thu hút tất cả mọi người từ những người giàu nhất trên thế giới như Bill Gates, Khloe Kardashian, Jack Dorsey, đến những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 2021, Duolingo đã đạt hơn 40 triệu người dùng hàng tháng trên toàn thế giới, là ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất trên App Store và Google Play. Hiện Duolingo được định giá khoảng 2,4 tỷ USD, cung cấp 95 khóa học với 38 ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ hiếm, sắp tuyệt chủng như Hawaii, Gaelic, Yiddish…
Học ngoại ngữ như chơi game
Các bài học trên Duolingo được thiết kế theo nguyên tắc “Gamification” để tạo và duy trì hứng thú cho người học. “Gamification” là việc ứng dụng những cơ chế của Game (luật chơi, điểm thưởng, tăng hạng…) vào một hoạt động bất kỳ với mục đích tạo động lực và hứng thú cho người dùng.
Cụ thể, khi hoàn thành các bài học trong Duolingo, bạn sẽ nhận được “điểm kinh nghiệm” (EXP). Người dùng nhận một điểm cho mỗi đáp án đúng, mất một cho mỗi câu trả lời sai, và khi đạt đủ 10 điểm EXP sẽ được thăng cấp trình độ.
EXP là cơ chế chính mà Duolingo thúc đẩy người dùng tiếp tục học hỏi và thực hành, được gắn với các cơ chế khác như The Streak và Lingots.
The Streak là thước đo số ngày liên tiếp bạn đã hoàn thành một bài học. Nó được đại diện bởi một ngọn lửa nhỏ màu đỏ, nếu chưa đạt yêu cầu của ngày hôm đó, lửa sẽ chuyển sang màu xám. Giữ cho “ngọn lửa liên tục luôn sáng” là động lực mạnh mẽ để người dùng không luyện tập ngắt quãng.
Lingots là một dạng tiền tệ trong Duolingo mà người dùng kiếm được bằng cách đạt được mục tiêu EXP hàng ngày. Bạn có thể sử dụng Lingots trong cửa hàng ảo Duolingo để mua các bài học mới, tăng sức mạnh,…hay thậm chí có thể sử dụng Lingots để mua một bộ trang phục ảo mới dễ thương cho chú cú Duo.
Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi các giáo sư tại Đại học Thành phố New York và Đại học Nam Carolina, nếu sử dụng Duolingo trong 34 giờ, có thể cung cấp khả năng đọc và viết tương đương với một kỳ đào tạo ngôn ngữ tại đại học tốn trên 130 giờ.
Cú xanh Duo: Học hay bị chọc?
Sự nổi tiếng của nền tảng còn đến từ biểu tượng cú Duo. Những năm gần đây, chú cú xanh này được gọi là “Ác ma Duolingo” vì liên tục nhắc nhở người dùng học bài theo những cách “khó đỡ”. Chỉ cần bỏ lỡ bài học một thời gian, chim cú Duo sẽ xuất hiện “hỏi han” đầy dỗi hờn, trách móc.
“Vậy là bạn muốn từ bỏ hết những mục tiêu của bản thân rồi nhỉ? Chúng tôi định viết email này bằng tiếng Pháp nhưng đột nhiên nhớ ra là bạn có học đâu, sao hiểu được”. Matt Jenkins, một người dùng Duolingo hài hước chia sẻ, anh cảm thấy vô cùng chột dạ sau khi đọc chiếc email này.
Hóa ra không chỉ Matt mà rất nhiều người từng bị ứng dụng học ngoại ngữ này “cà khịa” vì trót lười học. Chính những tính năng này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người dùng ứng dụng tạo ra một loạt ảnh meme cho chú cú, đưa tên tuổi của Duolingo ngày càng nổi tiếng.
Trải nghiệm “freemium”
CEO Von Ahn đã nhấn mạnh rằng, ông muốn sử dụng công nghệ để loại bỏ mọi rào cản trong giáo dục, tạo ra một ứng dụng học ngôn ngữ miễn phí cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh doanh, không có gì thực sự “miễn phí”.
Duolingo được xây dựng trên mô hình “freemium”, là sự kết hợp giữa “free” (miễn phí) và “premium” (cao cấp), có nghĩa là tất cả những tính năng cốt lõi đều được sử dụng miễn phí. Nếu người dùng muốn truy cập các tính năng nâng cao hơn như nhận được trải nghiệm không có quảng cáo, tải xuống các bài học và truy cập offline… họ sẽ phải trả một khoản phí là 12,99 USD/tháng.
Ngoài ra, vào năm 2014, Duolingo đã đưa ra các bài kiểm tra có khả năng đánh giá năng lực tiếng Anh người dùng tương đương với các bài thi tiếng Anh khác như IELTS, TOEFL. Điểm khác biệt nhất chính là thí sinh có thể thực hiện thi trực tuyến với mức phí là 49 USD/lần, rẻ hơn nhiều so với mức hơn 200 USD khi thi TOEFL. Duolingo English Test hiện nay đã được 1227 (cập nhật tới tháng 6/2020) tại các trường đại học và tổ chức chức giáo dục trên toàn thế giới công nhận.
Duolingo chắc chắn sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển lớn hơn. Hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới đang học ngoại ngữ và ngày càng có nhiều người học ngoại ngữ trực tuyến. Học ngôn ngữ trực tuyến tạo ra doanh thu 6 tỷ USD và con số này được dự báo sẽ tăng lên 8,7 tỷ USD vào năm 2025.