Trong bối cảnh giao thương ngày càng phát triển hiện nay, việc bạn muốn trải nghiệm cảm giác tự lái từ Việt Nam sang các nước láng giềng như Campuchia hay Lào không còn quá khó, thậm chí là khá dễ dàng. Tuy vậy để hành trình suôn sẻ, một số lưu ý sau có thể sẽ có ích với bạn.
Về thủ tục, bạn sẽ cần tới giấy liên vận Việt Nam - Campuchia và loại giấy này do sở Giao thông Vận tải nơi bạn sinh sống cấp. Tại Hà Nội, bạn chỉ cần vào link http://qlvt1.mt.gov.vn/web/guest/dich-vu-cong/-/dvc/thutuchanhchinh/1802.html để nộp thủ tục trực tuyến sau đó mang giấy tờ xe gồm đăng ký xe, đăng kiểm xe và tờ khai có chữ ký tới Sở Giao thông Vận tải để nhận giấy phép liên vận. Khi khai thông tin trên tờ khai, bạn nên chọn xuất nhập cảnh ở tất cả các cửa khẩu và thời gian là 30 ngày. Thủ tục này thường mất vài ngày và không bị thu phí.
Bên cạnh giấy liên vận, bạn cũng cần đổi bằng lái xe quốc tế để được phép trải nghiệm sau vô lăng ở nước bạn. Thủ tục đổi bằng lái xe quốc tế được thực hiện trực tuyến trên trang web dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam và bằng lái sẽ được chuyển phát về tận nhà với chi phí hơn 170.000 đồng.
Có khá nhiều cửa khẩu để bạn có thể lái xe sang nước bạn nhưng 3 cửa khẩu phổ biến nhất có lẽ là cửa khẩu Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Bờ Y ở tỉnh Kon Tum (đây cũng là khu vực trung tâm trong tam giác biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào) hoặc cửa khẩu Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai.
Tại các cửa khẩu này, bạn cần làm thủ tục xuất cảnh cho người lái, hành khách cũng như cho phương tiện sau đó lại làm thủ tục nhập cảnh cho người lái, hành khách và phương tiện. Để đưa xe vào Campuchia, bạn sẽ phải nộp 400.000 riel (tiền Campuchia) tương đương 2 triệu đồng và mỗi hành khách nhập cảnh vào Campuchia cần nộp 50.000 riel tương đương 250.000 đồng/người.
Về cơ bản thủ tục xuất nhập cảnh khá nhanh gọn nếu bạn có đầy đủ giấy tờ và không mang theo những hàng hoá bị cấm trong quy định. Bạn nên tìm sẵn tên tiếng Anh hoặc tiếng Campuchia của các cửa khẩu bạn sẽ xuất cảnh trở lại khi kết thúc hành trình, ví dụ cửa khẩu Lệ Thanh có tên quốc tế là cửa khẩu quốc tế O'Yadaw, cửa khẩu Mộc Bài có tên là cửa khẩu quốc tế Bavet. Việc này sẽ giúp bạn làm tờ khai nhanh gọn hơn.
Tại cửa khẩu, bạn có thể mua sim Campuchia để dễ dàng tìm đường đi khám phá và với 100.000 đồng bạn sẽ mua được 1 thẻ sim du lịch 3G với dung lượng 10GB trong 7 ngày. Tuy nhiên, sóng 3G tại nhiều khu vực không tốt như ở Việt Nam.
Do Campuchia có hệ thống tay lái thuận giống Việt Nam nên việc lái xe tại đây khá dễ dàng nhưng bạn cần hạn chế bấm còi, nhiều khu vực tại Campuchia có biển cấm bấm còi và bạn có thể bị phạt nếu vi phạm. Đường quốc lộ tại Campuchia thường hạn chế tốc độ ở 2 mốc 80km/h cho đường quốc lộ và 60 km/h cho các đoạn đi qua khu đông người, trường học.
Ôtô tại Campuchia chủ yếu là xe nhập từ Mỹ với các dòng xe của Toyota, Ford và lái xe tại đây khá "hiền" khi họ thường đi chậm, nối đuôi nhau. Đường tại Campuchia khá nhỏ, chủ yếu là 1 làn nhưng mặt đường đẹp, khá thông thoáng.
CSGT tại Campuchia thường có chốt kiểm tra tại khu vực trước khi vào trung tâm tỉnh lị. Những xe mang biển lạ thường sẽ bị kiểm tra giấy tờ và có thể mất "phí cafe" khoảng 10 USD.
Giá xăng dầu ở Campuchia cũng tương đương ở Việt Nam nhưng hệ thống xăng dầu của nước bạn đa dạng hơn. Các cây xăng tại những thành phố lớn khá đẹp và hiện đại khi có cả khu dừng nghỉ, siêu thị mini. Bạn có thể chọn đổ nhiên liệu tại các cây xăng của Caltex, Tela, giá xăng ít nhiều chênh lệch giữa các cây xăng và bạn có thể thanh toán bằng tiền riel hoặc USD, đôi khi bằng cả tiền Việt Nam.
Tóm lại, nếu chuẩn bị kỹ giấy tờ, làm chi tiết lịch trình bạn sẽ dễ dàng có hành trình khám phá thú vị tại Campuchia mùa hè này với các điểm nổi tiếng đến như thủ đô Pnom Penh, Siem Reap hay thành phố biển Sihanoukville...