Trong ngôn ngữ nói chung, sự lên xuống giọng nói luôn truyền tải ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, ta thường lên giọng khi hỏi và hạ giọng khi ra lệnh hay có một âm điệu đặc biệt khi cảm thán. Sự biến đổi giọng khi ấy tác động lên toàn bộ câu nói và hiện tượng này gọi là ngữ điệu (intonation). Ngữ điệu là khái niệm phổ biến ở mọi ngôn ngữ.
Trong tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ có thanh điệu khác, ngoài ngữ điệu nói ở trên, ta còn thấy sự biến đổi giọng nói trong phạm vi một tiếng hay một từ đơn, với tác dụng phân biệt các tiếng với nhau. Hiện tượng này chính là thanh điệu (tone). Ví dụ trong loạt các từ thuần Việt me, mè, mé, mẻ, mẽ, mẹ mỗi từ có ý nghĩa khác nhau do có thanh điệu khác nhau.
Liên quan đến thanh điệu, các ngôn ngữ trên thế giới chia ra làm hai loại không có thanh điệu và có thanh điệu. Các ngôn ngữ lớn của phương Tây như tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Ý hay ở châu Á như Ấn Độ, Khmer, Malay, Indonesia không có thanh điệu. Một số ngôn ngữ ở châu Phi, Bắc Mỹ và các thứ tiếng châu Á như tiếng Myanmar, tiếng Tây Tạng, tiếng Trung Quốc có thanh điệu. Riêng khu vực Đông Nam Á là nơi có thanh điệu phức tạp như thấy ở tiếng Thái, tiếng Lào và nhất là tiếng Việt Nam (Wikipedia).
Bộ máy phát âm của con người có khả năng rất kỳ diệu để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau, nhờ áp dụng các biện pháp ngữ âm phong phú. Ví dụ tiếng Anh có trọng âm từ (word stress), tiếng Pháp có hệ thống âm mũi, tiếng Nhật có sự đối lập nguyên âm dài-ngắn (ka-kaa, mu-muu) hay âm tắc họng ở giữa (kissaten, mittsu), tiếng Khmer có số lượng nguyên âm rất lớn v.v. Trong mối tương quan đó, thanh điệu là sức mạnh, là đặc trưng quan trọng của tiếng Việt. Nắm được đặc trưng ngữ âm sẽ giúp cho chúng ta học nhanh, nói giỏi ngôn ngữ.
Tiếng Việt văn hóa với cơ sở là tiếng Hà Nội có sáu thanh điệu là ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Về mặt chính tả, trừ thanh ngang không dấu, chúng ta sử dụng dấu thanh(diacritics hay tone marks) cho năm thanh điệu sau. Dấu thanh là một sáng tạo của những nhà truyền giáo phương Tây hồi thế kỷ 17. Họ lấy các yếu tố có trong tiếng Hy Lạp cổ như grave (dấu huyền), acute (dấu sắc), hook above (dấu hỏi), tilda (dấu ngã) và dot under (dấu nặng) để biểu thị dấu thanh, bên cạnh những sáng tạo như circumflex để biểu thị “dấu mũ” trên các nguyên âm â/ê/ô hay breve để biểu thị “dấu trăng” trên nguyên âm ă.
Các nhà khoa học như Nguyễn Văn Lợi and Jerold A. Edmondson (1997) hay Dũng Vũ (2006) đã tiến hành dùng thiết bị ghi nhận sóng âm thanh để mô tả các thanh điệu của tiếng Việt. Hình dưới đây là các đường nét thanh điệu của một người Hà Nội theo ghi nhận của Nguyễn Văn Lợi và Edmondson. Trục tung là mức tần số cơ bản (fundamental frequency) tính bằng semitones và trục hoàng là thời gian tính bằng milli giây.
Từ ghi nhận thanh điệu bằng thiết bị khoa học và tiến hành phân tích, các nhà ngôn ngữ học đã có thể chỉ ra ba thuộc tính chủ yếu của thanh điệu:
- Sự biến điệu hay đường nét (contour)
- Âm vực (pitch)
- Kiểu phát âm (phonation).
Về mặt đường nét, thanh điệu tiếng Việt có thể chia ra làm hai loại lớn là thanh điệu đi ngang, bằng phẳng và thanh điệu không bằng phẳng. Điều này trùng khớp với khái niệm THANH BẰNG và THANH TRẮC phổ biến trong giới thơ văn Việt Nam.
Cụ thể, thuộc về nhóm THANH BẰNG có Thanh ngang và Thanh huyền, là những thanh mà khi phát âm âm thanh đi ngang thoai thoải. Trong nhóm thanh bằng này thì Thanh ngang có âm vực hay tần số âm thanh cao hơn Thanh huyền. Cả hai đều phát âm thoải mái không căng thẳng.
THANH TRẮC bao gồm 4 thanh còn lại là Sắc, Hỏi, Ngã, Nặng, có đường nét và kiểu phát âm phức tạp.
Về cao độ hay âm vực, hai thanh Sắc và Ngã thuộc âm vực cao, Hỏi và Nặng thuộc âm vực thấp. Về đường nét, Ngã và Sắc đều hướng lên, Hỏi thì xuống rồi lên, còn Nặng thì theo chiều hướng xuống. Về cách phát âm, cả bốn đều phát âm căng, tuy nhiên Hỏi không có động tác nghẽn thanh hầu, còn Ngã, Sắc và Nặng đều có động tác nghẽn thanh hầu.
Như vậy Sắc và Ngã khá giống nhau, chỉ còn khác duy nhất là Sắc có điểm khởi đầu thấp và liên tục đi lên, còn Ngã có điểm khởi đầu cao hơn chút, cũng hướng lên, nhưng bị đứt quãng ở giữa chừng do tác động của ngẽn hầu họng (glottal stop). Điều này khiến cho Ngã là thanh điệu khó phát âm nhất trong tiếng Việt và chỉ được người miền Bắc phát âm tốt.
Hình sau đây tóm tắt cho phân loại thanh điệu trong tiếng Việt.
Trong nhóm THANH TRẮC, quan hệ giữa âm vực cao và âm vực thấp khá đa dạng và phức tạp. Đầu tiên, các từ tiếng Việt có vần khép, tức kết thúc bằng một trong các phụ âm p, t, c, ch thì chỉ có thể mang thanh điệu SẮC hay NẶNG. Ví dụ: đáp, đạp, biết, biệt, các, cạc, cách, cạch.
(Trích nguồn từ Facebook Andy Tran)