Đau ngực là một trong những lý do phổ biến mà hầu hết mọi người cần giúp đỡ y tế khẩn cấp. Đau ngực không phải luôn luôn là tín hiệu một cơn đau tim. Thông thường đau ngực có thể không liên quan đến bất kỳ vấn đề tim mạch nào. Bạn đọc có thể tìm hiểu về triệu chứng đau ngực, một số vấn đề sức khỏe liên quan đến triệu chứng đau ngực,... trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm đau ngực
Đau ngực có liên quan đến vấn đề tim mạch
Đau ngực liên quan đến một cơn đau tim hay vấn đề khác có liên quan đến tim khi có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
- Xuất hiện sau một gắng sức, trên nền một người bị bệnh lý tim mạch trước đó: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim.
- Cảm giác bóp nghẹt hoặc tức ngực.
- Đau bắt đầu ở vùng ngực trái hoặc sau xương ức sau đó lan đến cổ, quai hàm, vai và cánh tay, đặc biệt là cánh tay trái.
- Đau kéo dài hơn một vài phút, biến mất và trở lại hoặc thay đổi cường độ.
- Khó thở, ra mồ hôi, chóng mặt hoặc buồn nôn.
Đau ngực không do nguyên nhân từ tim
- Cảm giác nóng rát sau xương ức
- Ợ chua hoặc cảm giác thực phẩm ở miệng
- Khó nuốt
- Đau giảm hoặc tồi tệ hơn khi thay đổi vị trí cơ thể
- Đau tăng cường độ khi hít thở sâu hoặc ho
- Đau khi ấn vào ngực
Nếu có đau ngực mới hoặc không giải thích được hoặc nghi ngờ đang bị đau tim, hãy gọi trợ giúp y tế khẩn cấp. Đừng lãng phí thời gian cố gắng để tự chẩn đoán các triệu chứng đau tim.
Nguyên nhân đau ngực
Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, hầu hết có nguyên nhân lành tính. Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực như đau ngực do tiêu hóa, bệnh lý cơ xương, bệnh lý màng phổi, bệnh lý tim mạch,...
Nguyên nhân đau ngực do tiêu hóa
- Trào ngược dạ dày: dịch vị chứa acid của dạ dày trào ngược lên thực quản gây viêm thực quản sẽ gây đau ngực phía sau xương ức.
- Bệnh lý thực quản: Rối loạn nhu động thực quản, viêm thực quản cũng có thể gây cảm giác đau nóng rát phía sau xương ức.
- Thoát vị hoành: Là tình trạng một phần của dạ dày trượt lên phía trên cơ hoành vào ngực. Điều này có thể gây ra áp lực trong ngực hoặc đau, đặc biệt là sau khi ăn.
- Co thắt tâm vị: Trong rối loạn nuốt, van trong thực quản dưới không mở đúng để cho phép đưa thức ăn vào dạ dày. Thay vào đó, thức ăn tràn vào thực quản, gây đau đớn.
- Vấn đề túi mật hoặc tụy: Sỏi mật hay viêm túi mật hoặc tuyến tụy cấp tính có thể gây ra đau bụng lan đến ngực phải.
Nguyên nhân bệnh lý cơ xương
- Viên sụn sườn: Còn được gọi là hội chứng Tietze - các sụn của khung sườn, đặc biệt là sụn sườn gắn vào xương ức bị viêm. Kết quả dẫn đến đau ngực, tình trạng thường trở nên tồi tệ hơn khi ấn vào xương ức hoặc trên các xương sườn gần xương ức.
- Đau dây thần kinh liên sườn: Dây thần kinh liên sườn nằm ở khoang liên sườn, các nguyên nhân như chấn thương, vô căn gây tổn thương dây thần kinh liên sườn sẽ biểu hiện bằng đau khi ho hắt hơi, khi thay đổi tư thế.
Đau ngực do hô hấp
- Thuyên tắc phổi: Xảy ra khi cục máu đông trong động mạch phổi ngăn chặn lưu lượng máu đến mô phổi cũng gây ra đau ngực, khó thở. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không điều trị ngay lập tức.
-
Bệnh lý màng phổi: như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi gây đau nhói ngực tại một điểm và tăng hơn khi hít hay ho xảy ra khi phổi, màng phổi bị viêm: viêm phổi màng phổi, tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi,...
-
U phổi: là một nguyên nhân cần cảnh giác khi đau ngực kéo dài mà không tìm được nguyên nhân. Bệnh thường kèm theo ho, sốt, gầy sút cân.
Nguyên nhân đau ngực do tim
-
Cơn đau thắt ngực:
-
Tình trạng xơ vữa mạch máu kéo dài gây hẹp lòng động mạch vành dẫn đến cấp máu cho tim giảm bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim với biểu hiện đau ngực âm ỉ kéo dài, tăng khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi.
-
Nếu mảng xơ vữa bong ra làm tắc một nhánh nhỏ động mạch vành gây nhồi máu cơ tim sẽ gây ra đau ngực dữ dội, đau như thắt bóp, phía ngực phải sau xương ức, có thể lan lên cổ, vai cùng bên.
-
-
Bóc tách động mạch chủ
-
Triệu chứng và dấu hiệu của bóc tách động mạch chủ bao gồm đột ngột xuất hiện đau ngực như xé hoặc đau lưng. Tình trạng này đe dọa tính mạng.
-
Bóc tách động mạch chủ có thể do một cú đánh mạnh vào ngực hoặc phát triển như là một biến chứng của tăng huyết áp không kiểm soát được.
-
-
Co thắt mạch vành: Trong co thắt mạch vành, đôi khi được gọi là đau thắt ngực Prinzmetal, các động mạch cung cấp máu cho cơ tim bị co thắt, tạm thời ngừng lưu lượng máu qua nơi co thắt, gây ra cơn đau ngực.
-
Viêm màng ngoài tim: Đau ngực là triệu chứng chính của viêm màng ngoài tim.
-
Các vấn đề khác liên quan đến tim chẳng hạn như viêm cơ tim, một tình trạng viêm của tim thường là do bị nhiễm virus, có thể gây ra đau ngực. Hay một số loại rối loạn cơ tim như bệnh cơ tim phì đại, cũng có thể gây đau ngực.
Các nguyên nhân khác
- Hồi hộp - hoảng sợ: Nếu trong trạng thái sợ hãi mãnh liệt, có thể kèm theo đau ngực, nhịp tim nhanh, thở nhanh, ra mồ hôi và khó thở.
- Bệnh zona thần kinh: Bệnh gây ra bởi virus Varicella Zoster, lây truyền theo dây thần kinh có thể gây đau và mụn nước phía sau lưng, xung quanh thành ngực.
- Ung thư: Ung thư có thể liên quan đến đau ngực hoặc ung thư đã di căn có thể gây ra đau ngực.
Thăm khám cho bệnh nhân có triệu chứng đau ngực
Đau ngực không phải luôn luôn là tín hiệu một cơn đau tim. Tuy nhiên, đau tim là chẩn đoán cần loại trừ đầu tiên để tránh bỏ sót nguyên nhân đe dọa tính mạng bệnh nhân, do đó bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp để loại trừ nguyên nhân cũng như tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tim cũng như các vấn đề tim mạch khác.
Nó ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn liền với da. Nhịp và các xung động điện đi qua tim được ghi nhận là sóng hiển thị trên một màn hình hoặc in trên giấy.
Khi bị tổn thương, hoạt động điện của cơ tim không bình thường. ECG có thể cho thấy một cơn đau tim đã xảy ra hoặc đang xảy ra.
Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ gia tăng của một số men tim như Troponin, CK-MB thường được tìm thấy trong cơ tim.
Tổn thương tế bào tim từ một cơn đau tim có thể cho thấy các tăng men ở máu, trong khoảng thời gian vài giờ.
Chụp X quang ngực
X quang ngực cho phép các bác sĩ kiểm tra tình trạng của phổi, kích thước và hình dạng của tim và các mạch máu lớn. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng X quang ngực để kiểm tra khối u ở ngực và để tìm các vấn đề về phổi có thể gây đau ngực, như viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi.
Nghiệm pháp gắng sức
Những biện pháp kiểm tra tim và mạch máu đáp ứng với gắng sức, bởi vì có thể cơn đau có liên quan đến tim. Có nhiều loại xét nghiệm gắng sức. Có thể yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ hay đạp xe đạp trong khi nối với ECG. Hoặc có thể được cho một loại thuốc tiêm tĩnh mạch để kích thích tim trong cách tương tự như tập thể dục.
Siêu âm tim
Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo ra một hình ảnh video của tim. Hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề về tim.
Chụp cắt lớp vi tính
Các loại khác nhau của CT có thể được dùng để kiểm tra động mạch tim, tìm các dấu hiệu của canxi, trong đó chỉ ra mảng xơ vữa động mạch có thể được tích lũy và chặn tắc các động mạch cung cấp máu cho tim.
CT cũng có thể được thực hiện với thuốc nhuộm để hiển thị động mạch tim.
Nội soi
Dụng cụ gắn liền với một máy ảnh được truyền qua cổ họng xuống thực quản, dạ dày, cho phép bác sĩ kiểm tra thực quản và dạ dày và các vấn đề về dạ dày có thể gây đau ngực.
Nhiều loại đau ngực có thể lúc đầu dường như liên quan đến vấn đề về tim. Nhưng sau khi đánh giá cẩn thận, các bác sĩ có thể phân biệt các triệu chứng đau ngực do bệnh tim hoặc không.
Đau ngực đi khám ở đâu?
Đau ngực là triệu chứng có thể do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì vậy, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau ngực. Từ đó bác sĩ có phương án điều trị phù hợp.
Dù rằng đau ngực không phải lúc nào cũng do các vấn đề tim mạch gây ra. Tuy nhiên, do tính chất khẩn cấp của các vấn đề về tim mạch, người bệnh nên đến khám với bác sĩ Tim mạch trước.
Sau đó, bác sĩ sẽ có phương án tư vấn hoặc điều trị phù hợp dựa trên các vấn đề của bệnh nhân.