Cúng rằm tháng Giêng là một trong các nghi lễ được người Việt chú trọng thực hiện vào dịp đầu xuân. Vào ngày này, nhà nhà thường sắm sửa mâm cúng để dâng lên tổ tiên, ông bà, cầu cho một năm mới được nhiều bình an, thuận lợi.
Vậy cúng rằm tháng Giêng sao cho đầy đủ, dễ thực hiện mà mang lại may mắn? Kính mời quý vị cùng đón đọc bài viết dưới đây.
Mâm cúng rằm tháng Giêng đầy đủ cần những gì?
1. Đồ Lễ
- Cúng Phật: Sắm đủ hoặc tùy duyên các loại: Hương, hoa, trà, quả, thực: (xôi, chè hoặc bát cơm trắng.)
- Cúng chư Thiên, Thần Linh: Sắm lễ như cúng Phật.
- Cúng hương linh, gia tiên: Sắm đủ hoặc tùy duyên: Hoa, quả, một mâm cơm (chay: rau, củ, quả; hoặc nếu là mâm cơm mặn thì chỉ nên có thịt tịnh nhục: thịt của chúng sinh đã chết, nhưng không do tự tay giết hoặc xui người khác giết hại).
Lưu ý:
- Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.
- Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
- Trà: Nước trà tỏa hương. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.
- Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… và nên có loại quả chín thọ thực được.
- Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.
2. Địa điểm bày lễ
- Trường hợp chưa có bàn thờ: Sắp 1 bàn, để 3 cốc gạo, sắm 3 lễ bày trước cốc gạo: cúng Phật, cúng Thần Linh, cúng gia tiên.
- Trường hợp có bàn thờ:
+ Chỉ có bàn thờ Phật: Sắp thêm 2 cốc gạo bày hai bên cạnh/dưới nơi thờ Phật: 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng Thần Linh, 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng gia tiên.
+ Chỉ có bàn thờ thổ công: Sắp thêm để cúng Phật và hương linh tương tự như trên.
+ Chỉ có 1 bàn thờ hương linh: Sắp thêm để cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh tương tự như trên.
“Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” có đúng không?
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu hay tết Thượng Nguyên. “Nguyên” là khởi nguyên, ban đầu; “tiêu” là buổi đêm. “Nguyên tiêu” tức đêm trăng sáng của tháng Giêng - mang ý nghĩa là một ngày rằm khởi đầu, một hội lễ đầu năm.
Tuy nhiên, trong đạo Phật, quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” chưa hẳn là đúng. Ngày rằm được coi là ngày quan trọng cũng có thể xuất phát từ đạo Phật. Đó là ngày chư Tăng bố tát sám hối để thanh tịnh tâm mình. Nếu mọi người lên chùa lễ Phật, gặp chư Tăng để tác phước cúng dường vào ngày này thì phước báu sẽ lớn. Cho nên, ngày rằm của tháng đầu tiên trong một năm sẽ được nhiều người chú trọng.
Nhưng chúng ta không nhất thiết phải cúng lễ theo như quan niệm này. Trong đạo Phật không quy định ngày nào cúng lễ mới tốt. Tất cả sự cúng lễ đúng Pháp đều có thể sinh ra phước báu tốt đẹp. Cho nên, mọi người có thể cúng lễ bất kỳ ngày nào cũng được, miễn là đủ duyên, cúng đồ thanh tịnh thì đều sinh ra phúc báu lớn.
Văn khấn rằm tháng Giêng
Hướng dẫn cúng rằm Tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) - Cầu an: https://chuabavang.com/van-khan-ram-thang-gieng-tet-nguyen-tieu-cau-an-d3286.html
Hy vọng qua bài viết, quý vị sẽ hiểu hơn về bản chất của việc cúng rằm tháng Giêng và cách chuẩn bị mâm cúng đầy đủ. Hãy cùng chia sẻ bài viết để nhiều người biết cách cúng rằm tháng Giêng thiết thực này nhé!