Bệnh cúm (cúm mùa) là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do vi rút cúm lây nhiễm ở mũi, họng và phổi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C . Bệnh thường biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho … Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, … bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị các biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 - 1,8 triệu người mắc cúm mùa.
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm phòng Cúm mỗi năm.
Thông tin về vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm
1. Nguồn gốc: Sanofi Pasteur (Pháp)
2. Chỉ định: Được chỉ định để phòng ngừa bệnh cúm mùa do virus cúm thuộc 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Victoria và Yamagata) ở trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn.
3. Đường tiêm: Đường dùng: Tiêm bắp hoặc Tiêm dưới da
- Trẻ từ 6 tháng - 36 tháng tuổi: vị trí tiêm bắp thích hợp là mặt trước- bên của đùi
- Trẻ trên 36 tháng - người lớn: vị trí tiêm bắp thích hợp là cơ Delta
4. Lịch tiêm
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm:
- Tiêm 2 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
Trẻ trên 9 tuổi và người lớn:
- Tiêm 1 mũi cơ bản
- Nhắc lại 1 mũi hàng năm.
5. Chống chỉ định
- Hoãn tiêm với người đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh truyền nhiễm đang hoạt động.
- Người quá mẫn với các thành phần của vắc xin.
- Quá mẫn cảm với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược liệt kê trong mục “ thành phần” hay với bất kỳ chất nào có thể có trong thành phần dù với một lượng rất nhỏ còn sót lại( vết) như trứng (ovalbumin, protein của gà), neomycin, formaldehyde và octoxynol-9.
6. Tác dụng không mong muốn
- Phản ứng tại chỗ: nổi mẩn đỏ, sưng đau tại vùng tiêm.
- Toàn thân: sốt nhẹ, rét run, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn…
7. Sử dụng vắc xin cho phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai:
- Có thể tiêm vắc xin Cúm bất hoạt vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
- Hiện chưa có dữ liệu về việc sử dụng vắc xin Vaxigrip Tetra trên phụ nữ có thai
Phụ nữ đang cho con bú:
- Có thể dùng vắc xin Vaxigrip Tetra cho phụ nữ đang cho con bú.
8. Tương tác thuốc
- Chưa có nghiên cứu đánh giá việc tiêm đồng thời vắc xin Vaxigrip Tetra với các vắc xin khác, trong trường hợp bắt buộc phải tiêm nên tiêm ở những vị trí khác nhau
- Đáp ứng miễn dịch có thể giảm khi tiêm cho bệnh nhân đang điều trị ức chế miễn dịch
9. Bảo quản: Bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C (trong tủ lạnh), không được đông băng, tránh tiếp xúc ánh sáng.
10. Hạn sử dụng: 12 tháng kể từ ngày sản xuất
11. Một số câu hỏi thường gặp:
- Có cần cho trẻ ăn thử trứng trước khi tiêm ngừa cúm không?
- Vấn đề chủng ngừa cúm ở trẻ có dị ứng trứng gà đã được đề cập rất nhiều trong các công trình nghiên cứu toàn thế giới: - Tỷ lệ tai biến và mức độ tai biến do chích ngừa cúm không khác biệt giữa 02 nhóm trẻ có và không dị ứng trứng. - Khi trẻ bị phản ứng dị ứng với vắc xin cúm thì không phải lòng trắng trứng là thành phần duy nhất, trẻ có thể dị ứng với 1 trong rất nhiều thành phần khác của vắc xin:Proteins còn sót lại, khánh sinh, chất bảo quản, ổn định, phức hợp bất hoạt vireus, and latex.
- Do đó, không nhất thiết ăn thử trứng trước khi tiêm ngừa cúm. Tuy nhiên, người được tiêm chủng Cúm cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng của bản thân nếu có.
- Tại sao phải chích nhắc cúm hằng năm? Vaccin có tác dụng trong bao lâu?
- Các vắc-xin ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của nó chỉ kéo dài gần một năm vì các loại vi-rút cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vắc-xin được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi-rút cúm đang lưu hành với chủng vi-rút cúm có trong vắc-xin.
Tiêm vacxin Cúm hàng năm là chiến lược hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm cúm và các biến chứng của bệnh. WHO khuyến cáo cần chủng ngừa cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn, đặc biệt người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền (như đái tháo đường, hen suyễn, bệnh tim hay phổi mãn tính)…
Hướng dẫn xem tình hình vắc xin: Để biết thêm về bệnh cúm và tình hình vaccine, bạn vui lòng tham khảo thêm tại: http://bvndtp.org.vn/hoat-dong-tiem-ngua/ Hoặc gọi đến tổng đài: 028.2253.6688 - 19001217
Giờ làm việc: Các ngày trong tuần: Sáng 7h-10h45 : Chiều 12h30-15h15 Thứ 7, chủ nhât: Sáng 7h-10h30
Khoa Sức khỏe trẻ em Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố