Câu ca dao cổ từ trăm năm trước vẫn còn ghi đậm dấu ấn về ngôi chợ lớn nhất kinh kỳ, nơi điểm hẹn của mọi du khách dù chỉ một lần đến với Hà Nội. Trước hết, ta hãy tìm hiểu lai lịch về cái chợ này. Theo các tài liệu ghi chép, chợ Đồng Xuân vốn có từ trước những năm 1888, ở vị trí cũ là phía nam dòng sông Tô Lịch chảy từ phố Hàng Cá dọc theo Ngõ Gạch. Vào thời kỳ Pháp chiếm Hà Nội cuối thế kỷ XIX, kinh thành Hà Nội có hai chợ lớn ở bên bờ sông Tô còn chảy qua đây. Đó là chợ Bạch Mã ở cạnh ngôi đền cùng tên - một tứ trấn của Thăng Long và chợ Cầu Đông ở chỗ còn di tích chùa Cầu Đông số nhà 38B phố Hàng Đường. Hai chợ đều họp ở bên sông Tô, trên bến dưới thuyền, đông san sát người mua kẻ bán. Bên cầu Đông ngày ấy có một pho tượng Phật bằng đá ngồi xếp bằng tròn, bụng phơi, rốn hở, thân hơi ngả về phía sau, miệng cười tủm tỉm. Bà con buôn bá trong chợ thường lui tới thắp hương khấn cầu cho buôn may, bắn đắt.
Năm 1889, Người Pháp chiếm Hà Nội, cho lấp sông Tô Lịch và hồ Thái Cực để mở phố xá, dồn hai chợ Bạch Mã và Cầu Đông vào chung khu đất trống cạnh đình Đồng Xuân. Lúc đầu, họ rào tre nứa xung quanh bãi, bắt mọi người phải vào bên trong họp chợ, có người thu vé chợ ở cổng (do một công ty thầu khoán của Pháp thi công trên diện tích khoảng 6500 m2).
Nơi thu vé chợ của Cai chợ thế kỷ 19
Dần dần, chợ ngày một đông, Pháp cho mở rộng phạm vi chợ, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt có trổ lỗ như tổ ong, lợp tôn, mỗi cầu dài 52m, cao 19m. Mỗi cầu chợ quy định bán một mặt hàng, hoặc hai ba thứ sản phẩm khô hoặc tươi sống. Sau khi hoàn thành, chợ chỉ họp hai ngày một phiên, nhưng về sau do nhu cầu của sự phát triển kinh tế thương mại, chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối. Chợ Đồng Xuân trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất đô thành với đủ loại hàng hóa từ hàng vàng, bạc, tơ lụa, đến mũi kim, sợi chỉ, hoa quả, rau dưa thịt cá, lại có nhiều quán ăn, hàng quà, cả thày bói, hát rong, đồ mã cũng nhập cuộc. Thời điểm này, chợ được người Pháp gọi là Grand Marché nhưng Đồng Xuân vẫn là cái tên phổ biến được người dân thủ đô nhắc đến.
Chợ Đồng Xuân thế kỷ 19 chỉ có khung sắt và lợp mái tôn
Chợ Đồng Xuân những năm 1930
Có cả mấy bài ca dao, mỗi bài gần 60 câu tả cảnh chợ tấp nập ồn ào ngày ấy, mà các đám hát xẩm thường hát ngay trong chợ, trên chiếc chiếu manh trải bên thềm. Tháng chạp năm 1946, Hà Nội mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân thủ đo diễn ra trải dài 60 ngày đêm, quyết giữ từng căn nhà góc phố. Chợ Đồng Xuân cũng thành một pháo đài bảo vệ phía Bắc liên khu Một. Giặc Pháp nhiều lần tấn công vào đây không được đã cho máy bay ném bom hỗ trợ cho xe tăng tấn công cũng thất bại. Chúng tập trung binh lực mở đợt đánh lớn vào pháo đài chợ từ mờ sáng ngày 14-02-1947, sau khi trút bom xuống đây. Với 400 lính Pháp có đủ vũ khí hiện đại và xe tăng mở đường vào chợ. Trấn giữ chốt Đồng Xuân bên ta lúc đó chỉ có 19 người đã quần nhau với địch suốt một ngày trên từng góc quầy, phản thịt. Hết đạn thì đánh giáp lá cà bằng cuốc, xẻng, dao bầu, đòn càn và cả gạch, đá. Tây mũ đỏ bỏ mạng hàng trăm tên, bốn xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy. Cuối cùng vì lực lượng quá nhỏ, không cân sức, 19 chiến sĩ quyết tử đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến đấu anh dũng ngày 14-02-1947 tại chợ Đồng Xuân đã ghi một trang vàng vào lịch sử kháng chiến của Thủ đô. Ngày nay, bên trái chợ, chỗ giao với phố Hàng Khoai, có một tượng đài tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc ở chợ Đồng Xuân.
Tự vệ khu Đồng Xuân đang đào hố đặt mìn (12/1946)
Lễ thắp nến tri ân các anh hùng Liệt sĩ tại Tượng đài Hà Nội Mùa Đông 1946
Hòa bình trở lại, Đồng Xuân đi vào nền nếp mới, hình thành các tổ hợp tác buôn chung, bán chung đem lại không khí đoàn kết và hợp tác trong các ngành hàng. Chợ được mở rộng ra phía sau lấy Bắc Qua làm phần phụ bán lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống, gia súc, chim, cá cảnh, hoa tươi, cây cảnh. Vào những năm 1988 -1990, chợ được xây dựng lại hiện đại ba tầng, khang trang, nhưng ngày 14 -07 - 1994 chợ bị cháy lớn, thiêu hủy nhiều chỗ. Hai năm sau, chợ được tái thiết mới vẫn ba tầng, mỗi tầng 9.000m2, có cầu thang máy đi lại và vận chuyển hàng hóa. Mặt tiền chợ vẫn giữ lại đường nét của 5 cầu chợ xưa để lưu niệm hình ảnh quen thuộc về ngôi chợ hơn trăm năm tuổi của thủ đô ta. Việc buôn bán trong chợ ngày nay đã đi vào nề nếp văn minh, hiện đại. Người bán với lối giao tiếp văn minh, lịch sự, hào hoa, thanh lịch đối với khách mua, giữ tín nhiệm để Đồng Xuân mãi là điểm hẹn văn hóa thương mại của Hà Nội - thành phố vì hòa bình, mãi mãi “Vui nhất là chợ Đồng Xuân”
Chợ Đồng Xuân ngày nay
Chợ Đồng Xuân ngày nay