Mụn cám ở cằm là tình trạng da phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bài viết sau đây được bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da chia sẻ về nguyên nhân gây ra mụn cám, các lựa chọn điều trị phổ biến hiện nay, những cách làm sạch da tốt nhất nhằm ngăn ngừa và điều trị mụn cám ở cằm.
Mụn cám ở cằm là gì?
Mụn cám ở cằm là những nốt nhỏ li ti, xuất hiện khi lỗ chân lông tắc nghẽn hoặc do bã nhờn tích tụ tế bào da chết và vi khuẩn ở vùng cằm.
Nguyên nhân gây nổi mụn cám ở cằm
Có nhiều nguyên nhân và tác nhân gây ra mụn cám ở cằm, bao gồm tăng tiết bã nhờn, thay đổi nội tiết tố, di truyền, căng thẳng, môi trường, các sản phẩm chăm sóc da chưa phù hợp và một số loại thuốc. Xác định nguyên nhân gây mụn cám sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý và điều trị mụn.
1. Da mặt tiết nhiều bã nhờn
Các tuyến bã nhờn trên da sẽ hoạt động để cấp ẩm cho da, hạn chế mất nước, giúp nuôi dưỡng và giữ cho da mịn màng. Tuy nhiên, khi các tuyến này hoạt động nhiều sẽ tạo ra nhiều bã nhờn. Khi da mặt tiết nhiều bã nhờn sẽ dễ dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn cám.
2. Gen di truyền
Yếu tố di truyền cũng có cũng tác động đến việc tăng tiết bã nhờn và hình thành mụn. Trường hợp này thường khó điều trị hơn.
3. Vệ sinh da chưa đúng
Da vùng cằm nếu không được vệ sinh mỗi ngày, nhất là khi không được tẩy trang sạch sẽ, loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn trên da sẽ gây bít tắc lỗ chân lông.
Ngược lại, nếu bạn vệ sinh da quá nhiều lần cũng không tốt. Bởi khi vệ sinh quá mức thì lớp dầu tự nhiên trên da mất đi, khiến tuyến dầu phải tăng cường hoạt động và tiết ra nhiều dầu hơn để dưỡng ẩm cho da. Lượng dầu dư thừa và bụi bẩn sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây bùng phát mụn cám. Bạn chỉ nên rửa mặt 2 lần/ngày và tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần để hạn chế tình trạng da mất đi độ ẩm tự nhiên.
4. Nội tiết tố thay đổi
Thay đổi nội tiết tố kích hoạt tuyến bã nhờn sẽ làm da sản xuất dầu nhiều hơn ở tuổi dậy thì, đến chu kỳ kinh nguyệt, dùng thuốc ngừa thai, thuốc điều hòa kinh nguyệt,… hoặc người bị rối loạn chức năng tuyến nội tiết.
5. Không tẩy tế bào chết
Theo tiến trình thời gian, làn da sẽ trải qua quá trình đào thải tế bào chết tự nhiên bằng cách bong tróc và sản sinh ra các tế bào da mới. Các tế bào da chết tích tụ trên bề mặt da sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi chúng ta già đi, khả năng loại bỏ tế bào da chết khỏi bề mặt da chậm lại, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ và hình thành mụn. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn sử dụng tẩy tế bào chết 1 lần/tuần để giúp lỗ chân lông thông thoáng.
6. Chế độ sinh hoạt không hợp lý
Những người có chế độ sinh hoạt thiếu khoa học như stress kéo dài, thức khuya, thiếu ngủ thường có nguy cơ cao và dễ hình thành mụn cám hơn so với người duy trì lối sống lành mạnh. Thay đổi chế độ sinh hoạt có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mọc mụn.
7. Lạm dụng nhiều loại mỹ phẩm
Một số sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm là nguyên nhân gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm mụn cám hình thành. Nên đọc kỹ công thức sản phẩm, lựa chọn mỹ phẩm chứa các thành phần không gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài việc dùng các mỹ phẩm trang điểm mỏng nhẹ, nếu bạn có mụn cám nên sử dụng sản phẩm ghi rõ là không chứa dầu.
8. Một số tác nhân môi trường bên ngoài
Luôn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn gây hại cho cơ thể con người trong môi trường xung quanh. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, những ảnh hưởng này là điều khó tránh khỏi. Ánh nắng và khói bụi là tác nhân chính khiến làn da xuống cấp nhanh chóng.
Đặc biệt trong các công trường xây dựng, việc tiết mồ hôi liên tục kết hợp với sự hiện diện của vi khuẩn có thể dẫn đến việc hình thành mụn cám. Ngoài ra, bề mặt các vật dụng cá nhân như khẩu trang, chăn màn, quần áo cũng chứa một lượng lớn vi khuẩn, có thể gây mụn trên da.
Bài viết liên quan: Mụn cám có tự hết được không? Có để lại sẹo không?
Dấu hiệu nhận biết mụn cám ở cằm
Mụn cám ở cằm xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc, là những nốt nhỏ li ti khiến da thô ráp, sần sùi. Nhân mụn thường có màu vàng hoặc trắng đục, nốt mụn không sưng hay đau nhức.
Làm sao để điều trị mụn cám ở cằm?
Có một số lựa chọn điều trị mụn cám ở cằm, từ các sản phẩm không kê đơn đến thuốc theo toa. Các phương pháp điều trị không cần kê đơn bao gồm các loại kem bôi, sữa rửa mặt và các phương pháp điều trị tại chỗ có chứa các thành phần như benzoyl peroxide, axit salicylic và axit alpha-hydroxy.
Thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và retinol, tretinoin, BHA ở nồng độ cao, thường được sử dụng cho những trường hợp mụn cám nặng hơn hoặc diễn tiến thành mụn viêm. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng, cũng có thể giúp cải thiện tình trạng mụn cám trên da.
- Thuốc không kê đơn: Các sản phẩm không kê đơn (OTC) có thể có hiệu quả trong việc điều trị mụn cám tại nhà. Chúng giúp mở lỗ chân lông để vi khuẩn và bụi bẩn có thể bị cuốn trôi trước khi mụn hình thành. Các sản phẩm có chứa benzoyl peroxide, axit salicylic hoặc dẫn xuất vitamin A như các loại kem retinoid nhẹ là cách tuyệt vời để điều trị mụn trứng cá và giúp làm khô mụn đồng thời loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Thuốc kê đơn: Nếu điều trị mụn cám không cải thiện được bằng thuốc bôi không kê đơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi có công dụng mạnh. Thuốc trị mụn có chứa dẫn xuất vitamin A với nồng độ cao hơn, ngăn hình thành nút sừng nang lông và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da nhanh hơn. Những loại thuốc trị mụn này được bôi trực tiếp lên da và có thể bao gồm tretinoin, tazarotene hoặc adapalene. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc trị mụn tại chỗ khác có chứa benzoyl peroxide và kháng sinh, hoặc thuốc uống đối với các trường hợp hình thành mụn viêm hoặc không đáp ứng thuốc thoa tại chỗ.
- Axit salicylic: Có tác dụng kháng viêm, thấm sâu vào lỗ chân lông giúp loại bỏ da chết và chất bã nhờn dư thừa giúp thông thoáng lỗ chân lông. Axit salicylic có thể được kết hợp với các hợp chất khác có trong nhiều loại sữa tắm, sữa rửa mặt và sữa dưỡng thể. Vì axit salicylic có thể gây kích ứng và khô da nên tốt nhất nên bắt đầu sử dụng 1-2 lần/tuần và từ từ tăng liều lên mỗi ngày nếu cần thiết.
- Benzoyl peroxide: Có đặc tính kháng khuẩn và có thể làm giảm viêm. Nó cũng có thể giúp hút dầu thừa, vì vậy hãy sử dụng thường xuyên khi điều trị và loại bỏ mụn cám trên da. Benzoyl peroxide là thành phần chính trong nhiều loại sữa rửa mặt, sữa tắm, toner, kem và các sản phẩm bôi ngoài da. Vì có thể gây khô và kích ứng da nên mọi người nên bắt đầu với những sản phẩm chỉ chứa 2% benzoyl peroxide và sử dụng hoạt chất này mỗi ngày một lần. Theo thời gian, nồng độ và tần suất sử dụng có thể tăng lên dần dần. Benzoyl peroxide có thể tẩy trắng vải nên khi tiếp xúc với sản phẩm có chứa chất này, mọi người nên rửa tay thật sạch sau khi sử dụng. Nếu sử dụng trên mặt, bạn có thể trải một chiếc khăn lên gối trước khi đi ngủ.
- Dẫn xuất vitamin A: Ví dụ như tretinoin, retinol, adapalene, tazarotene. Những chất này có tác dụng bạt sừng, ức chế sự hình thành nút sừng nang lông, ngoài ra khi sử dụng thời gian dài còn có tác dụng tăng sinh collagen.
- Axit alpha hydroxy: Đây là những axit trái cây có thể giúp tẩy tế bào chết cho làn da. Ví dụ bao gồm axit glycolic, axit malic, axit citric và axit lactic… Những chất này có thể thúc đẩy bong tróc tế bào sừng trên bề mặt da và giúp giảm mụn.
- Axit azelaic: Nó có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, li giải nhân mụn giúp cải thiện các tình trạng da như mụn cám. Điều trị bằng axit azelaic có thể loại bỏ vi khuẩn khỏi lỗ chân lông.
- Peel da (tái tạo da bằng hóa chất): Giúp điều trị mụn cám hiệu quả bằng cách làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ tế bào da chết gây mụn. Dung dịch hóa học sẽ được bôi lên da, và qua 1 thời gian, phần da phía trên sẽ bong ra, để lộ lớp da non mịn màng phía dưới. Các loại peel da nông có thể được sử dụng tại nhà để điều trị mụn cám, trong khi đó peel da trung bình và peel da sâu thường được thực hiện ở bệnh viện.
- Microdermabrasion (mài da vi điểm): Lấy đi tế bào chết và có tác dụng tái tạo bề mặt da để lấy lại nét tươi trẻ. Không những vậy, quá trình mài da vi điểm còn giúp cho làn da hấp thụ tốt hơn những dưỡng chất trong sản phẩm chăm sóc da, giảm bít tắc lỗ chân lông nên cực hiệu quả trong quá trình điều trị mụn và làm thu nhỏ lỗ chân lông.
- Tiêm HA (hyaluronic axit): có tác dụng cung cấp đủ độ ẩm cho da giúp hạn chế tăng tiết bã nhờn.
Ngoài các biện pháp điều trị mụn cám kể trên, làm sạch da đúng cách và đúng kỹ thuật là điều cần thiết trong việc ngăn ngừa và điều trị mụn cám. Bạn nên sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ dành riêng cho da có nhiều mụn cám. Nếu sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết cần lựa chọn sản phẩm phù hợp, tránh các loại tẩy tế bào chết mạnh hoặc chất tẩy rửa có độ bào mòn cao có thể gây kích ứng da. Điều quan trọng nữa là tránh chạm vào mặt và thay vỏ gối thường xuyên để ngăn vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ trên da.
Một số vị trí “mụn cám ưa thích” có thể bạn chưa biết: Mụn cám ở trán, mụn cám quanh miệng, mụn cám ở mũi
Mụn cám ở cằm có chữa dứt điểm được không?
Rất khó để điều trị mụn cám dứt điểm, đặc biệt nguyên nhân di truyền. Các tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực khoa học hiện đại ngày nay có khả năng điều trị mụn cám hiệu quả, tuy nhiên mụn cám vẫn có khả năng quay trở lại nếu sau điều trị bạn không tuân thủ theo đúng chỉ định từ bác sĩ, thậm chí còn có thể bùng phát dữ dội hơn nếu chăm sóc da không đúng cách.
Có nên nặn mụn cám ở vùng cằm không?
Không. Mụn cám ở cằm, mũi hay những vị trí dễ thấy khác thường khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, lo lắng nên thường soi gương, sờ vào mụn rồi nặn. Tuy nhiên, việc nặn mụn cũng cần được thực hiện đúng cách như xem xét loại mụn nào có thể lấy được.
Trước và sau khi nặn mụn, bạn cần sát khuẩn, sử dụng các sản phẩm phục hồi và điều trị hợp lý sau đó. Đặc biệt, việc nặn mụn bằng tay có thể làm cho lỗ chân lông to hoặc trầy xước, nhiễm trùng da. Bạn nên đến nơi chăm sóc và điều trị da liễu uy tín để các chuyên gia điều trị mụn đúng cách và hạn chế tối đa rủi ro nhiễm trùng.
Biện pháp phòng ngừa mụn cám ở cằm
Nếu muốn trị mụn cám ở cằm, việc chăm sóc da hàng ngày đầu tiên bạn cần làm là rửa mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp vào buổi sáng và buổi tối để loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn trên da. Có thể tìm những sản phẩm có chứa các thành phần sau: axit salicylic, axit glycolic và benzoyl peroxide. (1)
Dù mụn ở cằm không phải là thứ bạn có thể kiểm soát hoàn toàn nhưng thay đổi thói quen sinh hoạt có thể làm giảm khả năng bị mụn ở cằm. Nếu muốn loại bỏ mụn ở cằm và làm đẹp da, chúng ta cần hình thành những thói quen sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, bổ sung rau xanh, uống đủ nước mỗi ngày.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, chiên rán, nhiều tinh bột và các loại trái cây có lượng đường cao như vải, xoài, sầu riêng, nhãn…
- Nếu tình trạng mụn cám không thuyên giảm, đi khám bác sĩ để được điều trị bằng thuốc kê đơn.
- Sử dụng kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ không gây mụn, và tẩy trang hàng ngày.
- Hạn chế dùng tay chạm lên mặt khi chưa rửa tay.
- Không sử dụng sản phẩm có chứa dầu lên mặt, chẳng hạn như dầu dừa, dầu ô liu.
- Tẩy tế bào chết cho da.
- Vệ sinh da hàng ngày, thường xuyên dưỡng ẩm cho da.
- Nặn mụn đúng cách.
- Giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc (khoảng 7 - 8 giờ). (2)
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như thức uống có cồn hay thuốc lá.
- Uống đủ nước: cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp cho làn da giàu sức sống.
- Xông hơi: có tác dụng giãn nở lỗ chân lông một cách hiệu quả để loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết.
- Thay quần áo thường xuyên khi đổ mồ hôi sẽ giúp hạn chế tình trạng lỗ chân lông trên cơ thể bị bít tắc. Với lỗ chân lông bị tắc ở lưng, bạn nên đảm bảo mặc quần áo bằng chất liệu cotton thoáng khí. Ngoài ra, quần áo tiếp xúc với da nên được thay hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sinh hoạt ở môi trường sạch sẽ, thoáng mát: ánh nắng mặt trời, môi trường nhiều khói bụi cũng là nguyên nhân khiến da tăng tiết bã nhờn và dễ bít tắc lỗ chân lông.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TPHCM là nơi cung cấp các lựa chọn điều trị chuyên sâu phù hợp với mọi đối tượng và tình trạng da.
- Đội ngũ chuyên gia bác sĩ được đào tạo chuyên sâu ở các đơn vị y khoa trong nước - quốc tế, nhiều kinh nghiệm trong việc thăm khám, điều trị, chẩn đoán các bệnh về da.
- Trang thiết bị máy móc được nhập khẩu chính hãng Âu - Mỹ.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, nhiệt tình, tận tâm.
- Hệ thống công nghệ luôn được cập nhật phiên bản tân tiến nhất.
- Phòng khám sạch sẽ, rộng rãi, khang trang, hiện đại.
Tóm lại, mụn cám ở cằm là một tình trạng phổ biến có thể được kiểm soát hiệu quả bằng các lựa chọn điều trị y khoa và thói quen chăm sóc da phù hợp. Hiểu nguyên nhân và tác nhân gây ra mụn cám là điều cần thiết trong việc xác định kế hoạch điều trị hiệu quả nhất. Việc kết hợp các phương pháp làm sạch da và thay đổi lối sống giúp bạn có làn da khỏe đẹp hơn.