Quế - gừng - bia
Một lát quế - gừng hay chút bột quế thả vào nồi nước sẽ giúp luộc tôm không còn mùi tanh nhưng không ảnh hưởng đến vị của tôm. Nếu hấp tôm ngoài việc cho quế vào nước, chúng ta cũng có thể cho vào chút bia. Tuy nhiên, nếu dùng bia nên chú ý khi tôm bắt đầu chín, mở nắp nồi cho mùi bia không nồng.
Bóc vỏ tôm với phèn chua
Tôm thường được bóc vỏ sau khi đã hấp chín, thế nhưng như vậy tôm rất dễ để lại mùi tanh. Do vậy có thể ngâm tôm với phèn chua được pha loãng trong nước, sau đó bóc sạch vỏ tôm khi tôm còn sống, như vậy vỏ tôm dễ bóc mà không dính vào vỏ, giúp khử sạch mùi tanh hoàn toàn.
Dùng nước muối pha loãng
Tôm sau khi cắt bỏ râu, đuôi, rửa sạch với nước muối pha loãng rồi vớt ra để ráo nước. Bằng cách này, món tôm không chỉ loại bỏ được mùi tanh mà còn mang lại cảm giác giòn tuyệt ngon.
Đường và rượu
Đầu tôm thường có chất thải, tạo mùi khiến nhiều người nghĩ đó là mùi tanh. Nếu đã bỏ phần chất thải và rửa sạch nhưng vẫn có mùi thì có thể hòa chút đường vào rượu trắng, ngâm tôm vào rượu 1 - 2 phút. Sau đó, rửa lại với nước sạch, như vậy tôm sẽ không còn mùi.
Khử mùi tanh của tôm khi rang
Trước hết, tôm khi rửa qua nước sạch phải để ráo nước rồi mới đem chế biến, như vậy sẽ hạn chế được lượng nước thừa đọng lại trong quá trình nấu tôm. Giảm hết lượng nước trong thân tôm bằng cách hòa các gia vị như bột canh, bột ngọt, đường, hạt tiêu, mắm vào chút nước.
Sau đó, cho tôm vào và đun sôi bằng lửa nhỏ, mở hé vung cho tới khi nào tôm cạn hết nước. Tiếp theo, lấy vài củ hành khô thái nhỏ, cho vào chút dầu ăn chiên lên để hành dậy mùi thơm. Cho tôm vào chiên, đảo thật đều tay, có thể thêm chút đường vào tôm để tạo màu vàng đẹp mắt.