Thủ thuật đặt buồng tiêm dưới da giúp việc tiêm truyền hóa chất cho người bệnh ung thư trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về phương pháp hỗ trợ tiêm truyền này qua chia sẻ của bác sĩ CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Đặt buồng tiêm dưới da là gì?
Đặt buồng tiêm dưới da (chemotherapy port) là phương pháp lắp thiết bị bao gồm buồng tiêm truyền (port) và ống thông (catheter) đến tĩnh mạch trung tâm của người được lắp.
Phương pháp đặt buồng tiêm dưới da đã được giới thiệu lần đầu tiên từ năm 1982, giúp hạn chế các biến chứng do tiêm truyền ở người bệnh ung thư được điều trị bằng hóa chất (hóa trị). Việc truyền hóa chất qua mạch máu ngoại biên trong thời gian dài có thể làm người bệnh bị xơ mạch máu, kích ứng da hay hoại tử phần da tiếp xúc với thuốc.
Ngoài truyền hóa chất, buồng tiêm dưới da còn có chức năng khác như:
- Truyền thuốc, dịch mà không cần tiêm chích tĩnh mạch ngoại biên.
- Truyền máu, lấy mẫu máu của người bệnh dễ dàng.
- Truyền dinh dưỡng cho người bệnh không thể ăn uống.
Buồng tiêm truyền dưới da có thể sử dụng được từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn, giúp người bệnh có quá trình điều trị dễ dàng, ít tác dụng phụ hơn. (1)
Cấu tạo buồng tiêm dưới da và vị trí đặt
Buồng tiêm dưới da có cấu tạo chính gồm 2 phần là buồng tiêm (port) có vách ngăn và ống thông dẫn vào tĩnh mạch (catheter). Buồng tiêm được làm từ những vật liệu an toàn như nhựa hoặc titan, giúp người bệnh có thể chụp MRI khi cần. Buồng tiêm nhiều hình dạng như hình tròn, hình tam giác, bầu dục,… Tuy nhiên, cấu tạo của các buồng tiêm về cơ bản đều giống nhau.
1. Vị trí đặt buồng tiêm dưới da
Buồng tiêm thường được đặt ở ngực để thuận tiện kết nối với các mạch máu lớn ở tim hoặc cổ. Vị trí đặt buồng tiêm thường dưới xương đòn bả vai từ 3 - 5cm. Trong một số trường hợp, buồng tiêm dưới da có thể được đặt ở bụng hoặc cánh tay.
2. Vách ngăn
Vách ngăn nằm phía trên buồng tiêm có tác dụng làm nơi cắm và cố định kim tiêm. Tuổi thọ của buồng tiêm phụ thuộc rất lớn vào độ bền của vách ngăn, số lần kim đâm qua buồng tiêm có thể dao động từ 1000 - 3000 lần, tùy thuộc vào chất lượng buồng tiêm.
3. Ống thông
Ống thông mềm hay catheter được sản xuất bằng polymer hoặc polyurethane có thể cắt ngắn để tùy chỉnh độ dài. Một đầu ống kết nối với buồng tiêm, đầu còn lại được đặt trong tĩnh mạch. Catheter thường được đặt trong tĩnh mạch cổ hoặc tĩnh mạch lớn ở tim.
Các loại buồng tiêm dưới da
- Buồng tiêm buồng đơn: Buồng tiêm buồng đơn chỉ có một cổng (không có vách ngăn) để cắm kim tiêm. Đây là loại phổ biến nhất có thể sử dụng trên nhiều đối tượng trong đa số trường hợp. (2)
- Buồng tiêm buồng đôi: Buồng tiêm buồng đôi có 2 điểm để cắm kim tiêm với vách ngăn ở giữa. Với buồng tiêm buồng đôi, bác sĩ có thể truyền đồng thời 2 loại dung dịch khác nhau cùng lúc. (3)
Buồng tiêm dưới da hoạt động như thế nào?
Buồng tiêm dưới da đặt ống catheter ở các tĩnh mạch lớn, khi thuốc được bơm vào buồng tiêm sẽ đi qua ống đến tĩnh mạch. Sau đó, hoạt động bơm máu của tim sẽ giúp hóa chất (hoặc thuốc, dịch dinh dưỡng) được khuếch tán đi khắp cơ thể.
Ưu điểm của kỹ thuật đặt buồng tiêm dưới da
1. Giúp người bệnh thoải mái hơn
Sử dụng buồng tiêm dưới da để truyền thuốc hay lấy máu trong thời gian dài sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn việc phải chích tĩnh mạch ngoại biên tại bắp tay, bàn tay nhiều lần.
Với người bệnh, việc liên tục bị đâm bằng kim tiêm hoặc kim luồn có thể gây khó khăn trong cử động, bị đau hoặc sưng tại chỗ tiêm. Đặc biệt, ở những người khó xác định tĩnh mạch (khó lấy vein) hoặc tĩnh mạch đã xơ vữa (như người cao tuổi), việc sử dụng buồng tiêm giúp quá trình truyền thuốc dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Giảm nguy cơ tổn thương mô
Đặt buồng tiêm dưới da giúp các hóa chất hay thuốc có nồng độ thẩm thấu cao được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch lớn, hạn chế việc rò rỉ thuốc vào các mô. Đặc biệt với những người đang điều trị ung thư, các hóa chất có thể gây ra nhiều biến chứng như xơ mạch máu, kích ứng, thậm chí là hoại tử tổ chức da.
3. Người bệnh có thể hoạt động bình thường sau thủ thuật
Khác với phương pháp đặt kim luồn, người bệnh được đặt buồng tiêm có thể hoạt động bình thường mà không bị cản trở, khó chịu hay lo sợ nhiễm trùng, tổn thương nơi đặt kim luồn. Người bệnh có thể tắm, bơi và tham gia các hoạt động phù hợp mà bác sĩ cho phép.
Rủi ro có thể xảy ra khi đặt buồng tiêm dưới da
1. Hình thành huyết khối
Huyết khối (cục máu đông) có thể hình thành và gây tắc nghẽn ống thông, không thể dẫn dịch hay lấy máu. Sau mỗi lần sử dụng, buồng tiêm cần phải được bơm rửa bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) hay nước muối có pha heparine giúp chống tạo huyết khối. Nếu người bệnh lâu ngày không tiêm truyền, buồng tiêm nên được rửa định kỳ 4 tuần 1 lần để đảm bảo thông suốt khi được dùng.
2. Bị hạn chế vận động mạnh
Dù có thể tham gia hầu hết các hoạt động bình thường sau khi đặt buồng tiêm, người bệnh vẫn nên cẩn thận khi tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao hay vận động mạnh. Các hoạt động thể chất mạnh có thể gây ra nguy cơ di chuyển buồng tiêm.
3. Để lại sẹo
Dù thủ thuật đặt buồng tiêm dưới da không yêu cầu vết mổ quá lớn, vẫn có nguy cơ nơi được đặt buồng tiêm sẽ để lại sẹo. Tuy nhiên, sẹo thường rất nhỏ và được may thẩm mỹ nên hầu như không ảnh hưởng đến người bệnh.
4. Nguy cơ nhiễm trùng vị trí đặt buồng tiêm
Cũng giống như các phẫu thuật khác, người được đặt buồng tiêm dưới da cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ nếu không được sát trùng và chăm sóc cẩn thận. Nếu xảy ra nhiễm trùng, người bệnh cần dùng kháng sinh hoặc phải thay thế buồng tiêm mới trong trường hợp nhiễm trùng nặng.
5. Tràn khí, tràn máu màng phổi
Một số người bệnh có cấu trúc giải phẫu bất thường, có thể khiến bác sĩ phẫu thuật vô tình chọc nhầm vị trí khi đặt catheter. Trường hợp nguy hiểm nhất có thể gây tràn khí, tràn máu màng phổi. Hiện nay, với máy siêu âm chuyên dụng, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí tĩnh mạch nhằm dẫn ống thông đến đúng nơi, thế nên, trường hợp xảy ra tai biến này gần như bằng không.
Chỉ định đặt buồng tiêm dưới da khi nào?
Những người điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị là đối tượng được đặt buồng tiêm dưới da nhiều nhất. Bởi phương pháp hóa trị yêu cầu người bệnh phải được tiêm lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, trong khi hóa chất điều trị ung thư có rủi ro gây ra nhiều biến chứng không mong muốn.
Ngoài ung thư, buồng tiêm dưới da cũng có thể sử dụng cho các người bệnh cần thường xuyên sử dụng các phương pháp truyền dịch, thuốc như người bệnh được nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài.
Chống chỉ định đặt buồng tiêm dưới da cho đối tượng nào?
Không phải ai cũng có thể thực hiện thủ thuật đặt buồng tiêm truyền dưới da, một số trường hợp chống chỉ định bao gồm:
- Người bị viêm tắc tĩnh mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch ở nơi đặt buồng tiêm.
- Đang bị viêm, nhiễm trùng ở khu vực đặt buồng tiêm.
- Mắc các bệnh lý rối loạn đông máu, cầm máu.
Quy trình đặt buồng tiêm dưới da như thế nào?
Trước khi bác sĩ tiến hành đặt buồng tiêm dưới da, người bệnh được đặt nằm ngửa và gây tê tại vùng cổ, ngực. Quy trình đặt buồng tiêm dưới da cho tĩnh mạch cổ bao gồm:
- Bước 1: Bác sĩ tiến hành xác định vị trí tĩnh mạch bằng siêu âm, sau đó chọc dò tĩnh mạch và luồn catheter vào tĩnh mạch ở cổ.
- Bước 2: Xác định vị vị trí đặt buồng tiêm và tạo đường hầm dưới da.
- Bước 3: Ống thông được luồn qua đường hầm dưới da nối với buồng tiêm.
- Bước 4: Đặt buồng tiêm dưới da, cố định buồng tiêm và khâu lại vết mổ.
Sau khi dùng buồng tiêm, nơi đặt kim tiêm cần được che phủ bằng gạc y tế hoặc băng dán. Người bệnh cần duy trì vùng có băng gạc khô, sạch.
Một số câu hỏi thường gặp của kỹ thuật đặt buồng tiêm dưới da
1. Sau khi đặt buồng tiêm dưới da bao lâu thì hồi phục?
Thông thường, vết thương do đặt buồng tiêm dưới da cần khoảng 5 - 7 ngày để ổn định và lành lại, bác sĩ sẽ cắt chỉ khâu sau khoảng 7 ngày. Trong thời gian này, người được đặt buồng tiêm không nên vận động mạnh. Trong vòng 2 ngày đầu tiên, người bệnh cần tránh làm ướt vết thương.
2. Buồng tiêm dưới da tồn tại trong bao lâu?
Buồng tiêm dưới da có thể sử dụng trong thời gian dài, thường dao động từ 6 tháng đến 2 năm. Khi người bệnh không còn nhu cầu tiêm truyền thường xuyên, buồng tiêm sẽ được tháo ra.
3. Tư thế ngủ nào phù hợp cho người đặt buồng tiêm dưới da?
Không có tư thế ngủ nào gây nguy hiểm đối với người đặt buồng tiêm dưới da. Tuy nhiên, người có buồng tiêm dưới da nên tránh các tư thế ngủ có thể gây áp lực lên buồng tiêm như nằm sấp. Trong thời gian đầu sau khi lắp buồng tiêm, người được lắp nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng ngược với hướng buồng tiêm được đặt để tránh tác động đến vết thương chưa lành.
4. Đặt buồng tiêm dưới da có phải phẫu thuật lớn không?
Đặt buồng tiêm dưới da được xem như một tiểu phẫu với thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-30 phút. Một số trường hợp người bệnh có giải phẫu bất thường có thể kéo dài đến 45 phút, tuy nhiên đây vẫn được xem là một cuộc phẫu thuật nhanh, không quá phức tạp.
5. Đặt buồng tiêm dưới da có đau không?
Câu trả lời là có. Cảm giác đau có thể xuất hiện khi bác sĩ đâm kim vào màng ngăn ở mỗi lần truyền dịch hoặc lấy máu. Tuy nhiên, cảm giác đau khi tiêm truyền qua buồng tiêm nhẹ nhàng hơn so với việc phải chích tĩnh mạch thường xuyên để truyền dịch, đặc biệt là hóa chất.
Người bệnh được đặt buồng tiêm dưới da thường cảm thấy đau trong vài ngày đầu sau mổ. Nếu gặp các triệu chứng bất thường như nóng sốt, sưng đau vùng đặt buồng tiêm, người bệnh có thể đang gặp vấn đề viêm nhiễm cần đến cơ sở y tế thực hiện để bác sĩ kiểm tra lại.
Đặt buồng tiêm dưới da là một phương pháp giúp người bệnh có quá trình điều trị an toàn, nhẹ nhàng hơn. Hiện nay, phương pháp này thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn, có chuyên khoa ung bướu. Các y bác sĩ khoa Gây mê hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có nhiều kinh nghiệm thực hiện thủ thuật đặt buồng tiêm dưới da, giúp người bệnh có quá trình điều trị dễ dàng, thoải mái và hiệu quả.