Bác sĩ CK1 là gì? Quyền lợi của người được cấp bằng Bác sĩ CK1 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Bác sĩ CK1 là gì?
- Các văn bằng chuyên khoa trong lĩnh vực y tế gồm:
+ Bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I
+ Bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp II
+ Bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện
Trong văn bằng có ghi rõ chuyên ngành đào tạo, phương thức đào tạo, xếp loại kết quả học tập của người được cấp bằng.
- Bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I, bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện là văn bằng pháp lý xác nhận trình độ sau đại học trong lĩnh vực y tế cho những người được đào tạo theo Quy chế đào tạo được ban hành kèm theo Quyết định 1635/2001/QĐ-BYT, 1636/2001/QĐ-BYT và 1637/2001/QĐ-BYT ngày 25/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Danh hiệu tốt nghiệp chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Dược sỹ chuyên khoa cấp II, Bác sỹ nội trú bệnh viện.
Như vậy, Bác sĩ CK1 là người được cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I sau khi hoàn thành các khóa đào tạo theo theo Quy chế đào tạo được ban hành kèm theo Quyết định 1635/2001/QĐ-BYT, 1636/2001/QĐ-BYT và 1637/2001/QĐ-BYT ngày 25/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Căn cứ pháp lý: Quy chế cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I, bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện trong lĩnh vực y tế ban hành kèm theo Quyết định 4306/2003/QĐ-BYT.
2. Quyền lợi của người được cấp bằng Bác sĩ CK1
Theo Quy chế cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I, bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện trong lĩnh vực y tế ban hành kèm theo Quyết định 4306/2003/QĐ-BYT, người được cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I, bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú bệnh viện có các quyền lợi sau:
- Được dùng văn bằng làm cơ sở để thi tuyển vào ngạch và nâng ngạch công chức phù hợp và được xem xét khi công nhận các chức vị khoa học và đào tạo khác theo quy định hiện hành.
- Được sử dụng để đi học nâng cao trình độ chuyên môn, trao đổi khoa học về Y - Dược ở trong và ngoài nước: học chuyển đổi để lấy văn bằng tương đương theo quy định hiện hành.
3. Quá trình trở thành Bác sĩ CK1
Để trở thành bác sĩ CK1, thì sau khi học 6 năm tại trường đại học, người tốt nghệp sẽ trở thành bác sĩ. Sau đó, bác sĩ phải trải qua các chương trình đào tạo chuyên sâu trong khoảng thời gian ít nhất 02 năm mới có thể trở thành bác sĩ CK1.
Một số yêu cầu đối với bác sĩ CK1 như: Phải có kinh nghiệm lâm sàng từ 12 tháng trở lên, nam không quá 50 tuổi và nữ không quá 45 tuổi,…
4. Chuyển đổi từ bằng Bác sĩ CK1 sang bằng thạc sĩ
Người có bằng chuyên khoa cấp I muốn học chuyển đổi lấy bằng thạc sĩ y học, thạc sĩ dược học, phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Chuyên ngành của bằng chuyên khoa cấp I phù hợp với chuyên ngành của bằng thạc sĩ y học, thạc sĩ dược học muốn chuyển đổi.
- Có công văn cử đi học chuyển đổi của cơ quan quản lý nhân lực.
- Dự thi đạt yêu cầu môn cơ bản, ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ hàng năm của cơ sở đào tạo sau đại học có chuyên ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng và được cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận là học viên cao học.
- Hoàn thành các môn học còn thiếu thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ và bảo vệ thành công luận văn theo Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành. Chương trình các môn học bổ sung cho từng chuyên ngành đào tạo do cơ sở đào tạo xây dựng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn y.
Căn cứ pháp lý: Mục III.1 Thông tư liên tịch 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT
5. Chuyển đổi từ bằng thạc sĩ sang bằng Bác sĩ CK1
Người có bằng thạc sĩ y học, thạc sĩ dược học muốn học chuyển đổi lấy bằng chuyên khoa cấp I phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Chuyên ngành của bằng thạc sĩ y học, thạc sĩ dược học phù hợp với chuyên ngành của bằng chuyên khoa cấp I muốn chuyển đổi.
- Có công văn cử đi học chuyển đổi của cơ quan quản lý nhân lực.
- Dự thi đạt yêu cầu môn chuyên ngành còn thiếu trong kỳ thi tuyển sinh chuyên khoa cấp I hàng năm của cơ sở đào tạo sau đại học tổ chức và được Bộ Y tế công nhận trúng tuyển.
- Hoàn thành các môn học còn thiếu thuộc chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I và thi tốt nghiệp thực hành theo Quy chế đào tạo chuyên khoa cấp I hiện hành của Bộ Y tế. Chương trình các môn học bổ sung và thực hành cho từng chuyên ngành đào tạo do cơ sở đào tạo xây dựng được Bộ Y tế chuẩn y.
Căn cứ pháp lý: Mục III.2 Thông tư liên tịch 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT