“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like, comment, share). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #8 tổng hợp các bài ngắn nhưng sâu sắc, được viết trong những tháng cuối năm 2017. Thời gian này tôi phải đối mặt với nhiều áp lực và chính những áp lực này buộc tôi nhìn lại bản thân mình và những gì đã qua trong năm 2017 (23/11 - 31/12/2017).
23/11/2017: Hướng nội & Network
Đây là bức ảnh tôi chụp được từ tầng 2 một quán bar trong buổi tiệc chiêu đãi (reception) của hội thảo. Tất cả những người trong ảnh này đều là học giả đầu ngành hoặc những người mong muốn trở thành học giả (như tôi và nhiều nghiên cứu sinh khác). Đối với nhiều người, đặc biệt những ai trong ngành truyền thông hay kinh doanh, bức ảnh này nói lên cơ hội tuyệt vời để network, để giới thiệu bản thân, để làm quen với những người quan trọng, để tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng đối với một người hướng nội như tôi, bức ảnh này toát lên sự đông đúc, ngột ngạt, cạnh tranh, mệt mỏi. Tôi cảm thấy đây là một nơi mà mình không thuộc về.
Đừng hiểu lầm ý tôi, tôi biết đây là cơ hội tuyệt vời để network. Nhưng network không đến dễ dàng và tự nhiên đối với những người hướng nội. Rất nhiều lần tôi tránh tiệc chiêu đãi hoặc bỏ về từ rất sớm hoặc đến nhưng chỉ nói chuyện với những người tôi biết. Vì ở một không gian đông đúc và ồn ã như thế này, tôi thường cảm thấy lạc lõng và mỏi mệt — mọi năng lượng hầu như bị hút cạn. Nhưng năm nay, đối với tiệc chiêu đãi này, tôi cảm thấy mình đã nhận ra cách để network hiệu quả cho bản thân tôi — và có thể áp dụng cho những người hướng nội khác.
Thứ nhất, là người hướng nội, bạn phải có sự chuẩn bị kỹ về thời gian và kiến thức trước cuộc gặp gỡ. Khác với những người hướng ngoại có thể di chuyển nhanh từ việc này sang việc khác, bắt chuyện dễ dàng, tìm ra chủ đề chung chỉ sau vài câu xã giao. Người hướng nội trước khi bước vào nơi đông đúc như thế này cần thời gian và năng lượng lớn (tôi thường ăn uống đầy đủ trước khi đi và đến địa điểm sớm hơn để bản thân làm quen tốt hơn với không gian mới). Để có thể bắt chuyện dễ dàng hơn và hiệu quả, người hướng nội nên tìm hiểu trước những ai tham gia tiệc, những ai mình muốn bắt chuyện, họ là ai, họ và mình có những điểm chung gì (tôi luôn xem trước danh sách những người tham gia và Google hồ sơ của một số người tôi cần gặp trước).
Thứ hai, nói chuyện càng lâu thì người hướng nội sẽ càng cảm thấy năng lượng mình hụt dần đi (trong khi người hướng ngoại cảm thấy phấn chấn hơn). Vì vậy, người hướng nội có thể chủ động kết thúc cuộc nói chuyện trước, cảm ơn lịch sự, và xin tiếp tục nói chuyện tiếp qua email sau (nên trao đổi danh thiếp). Tôi thường dùng cách này khi giao tiếp với những người bận rộn vì bản thân họ cũng cần network và mình không nên chiếm quá nhiều thời gian của họ; trừ khi cuộc nói chuyện quan trọng và có thể kéo dài lâu hơn bình thường.
Thứ ba, ngừng so sánh bản thân với người khác! Trước đây, mỗi lần cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, tôi thường nghĩ: “Sao bạn A bạn B có thể tự tin nói chuyện với người mới quen nhanh đến vậy? Tại sao tôi lại cảm thấy khó khăn đến thế? Có phải vì hướng nội? Vì tiếng Anh? Vì văn hoá? Vì yếu kém của tôi?” Nhưng đến năm nay, sau khi đã thoải mái hơn với việc giao tiếp trong đám đông, tôi nhận ra rằng tất cả mọi người, kể cả người hướng ngoại, kể cả người bản địa, họ đều cảm thấy lạc lõng ít nhiều. Ai cũng phải thúc đẩy bản thân để gặp người mới. Ai cũng mệt mỏi khi phải gào lên để nói chuyện trong không gian ồn ào. Và ai cũng phải qua luyện tập, quen biết từ nhiều lần network trước mới cảm thấy thoải mái hơn được. Vì vậy, hãy tạm “tắt” chức năng quan sát và so sánh không ngừng của người hướng nội lại để tự tin network.
Tôi nghĩ mình đã làm rất tốt trong buổi tiệc chiêu đãi, nơi tôi chụp tấm hình này. Đây cũng là lần đầu tiên mà tôi không cảm thấy hồi hộp, lo âu khi network với những học giả lớn; đa số thời gian, tôi hoàn toàn bình tâm, thả lỏng, tự tin — một điều trước đây tôi khó có thể đạt được. Nhưng thành thật mà nói, bước ra khỏi buổi Tiệc và bước ra khỏi Hội thảo, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi cần tới không chỉ vài tiếng mà thậm chỉ vài ngày yên tĩnh để phục hồi lại năng lượng và quay lại nhịp độ hàng ngày. Thực tế vẫn là thế giới xoay vần theo những người hướng ngoại. Và những người hướng nội cần phải cố gắng nhiều hơn để làm những điều mà người hướng ngoại cho là bình thường.
Nhưng vốn là một người hướng nội từng thay đổi bản thân hoàn toàn để trở thành hướng ngoại (và đã thành công, trong rất nhiều năm!), tôi quyết định quay trở về với xu hướng tự nhiên của mình là hướng nội trong khoảng 4 năm trở lại đây và tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này. Hướng nội có lẽ là một trong những món quà tuyệt vời nhất tạo hoá đã dành cho tôi. Nó khiến tôi thu mình, kỳ cục, lạc lõng giữa đám đông. Nó khiến tôi không nổi bật, không khéo léo, không cạnh tranh được như nhiều người. Nhưng nó cũng khiến tôi có những suy nghĩ đa chiều sâu sắc, nó khiến tôi tìm được nhiều khoảng lặng cần thiết, nó khiến tôi biết được năng lượng của mình đang ở đâu. Nhưng quan trọng hơn, với tất cả điểm tốt và xấu, nó khiến tôi là tôi, là chính tôi
Ngày 25/11/2017: Quiet (Susan Cain)
Vài ngày trước, tôi có chia sẻ một bức ảnh chụp buổi networking sau hội thảo và viết về suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi để networking không quá là “thảm họa” cho những người hướng nội (bài viết phía trên). Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến bài viết này và có liên hệ hỏi tôi tài liệu để tìm hiểu thêm về hướng nội/hướng ngoại. Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này và còn rất nhiều điều phải học để hiểu về bản thân tôi, một người có tới 70% hướng nội. Nhưng gần đây, cuốn Quiet (Im Lặng) của Susan Cain giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về ĐIỂM MẠNH của tính cách hướng nội và cách để có thể nhấn mạnh điểm mạnh này, tìm con đường đi trong một xã hội tôn sùng sự hướng ngoại. Cuốn sách này từng được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề “Hướng Nội”. Nhưng nếu bạn có điều kiện, rất nên đọc bản gốc tiếng Anh và nghe bài nói của Susan Cain trên Ted Talk.
Ngày 20/12/2017: Bất an
Suốt cả cuộc đời, tôi luôn cảm thấy mình đang chạy đuổi theo một cái gì đó — với suy nghĩ rằng nếu có thứ đó trong tay, tôi sẽ cảm thấy “an toàn”. Khi còn học phổ thông, đích đến luôn là cổng trường Đại học. Tranh đấu giành giải học sinh giỏi hay vùi đầu vào các tập đề luyện thi, tất cả cũng chỉ vì suy nghĩ: “Giờ chịu khó một chút, đến khi vào được Đại học rồi mọi chuyện sẽ ổn”. Nhưng rồi vào Đại học được rồi lại phải nghĩ thi đủ điểm tiếng Anh để được lên học chuyên ngành, rồi thi môn này môn kia đạt điểm cao để có tấm bằng đẹp và không còn phải phấp phỏng lo âu về việc làm nữa. Rồi tốt nghiệp Đại học xong, may mắn có một công việc tốt nhưng sáng đi làm, tối về lại làm hồ sơ cao học nước ngoài. Cuộc sống ở Việt Nam khi đó cũng cho tôi nhiều thất vọng, bí bức, nhưng tôi nghĩ: “Thôi không sao cả. Đến khi được đi du học cuộc đời sẽ sang trang khác, mọi thứ sẽ ổn”. Rồi cơ hội đi du học cũng đến, và lo lắng mới cũng đến theo. Việc học Thạc sĩ đã rất vất vả rồi, nhưng nỗi lo về tài chính và cơ hội học Tiến sĩ còn lớn hơn. Có những lúc stress quá, tôi từng viết ra hàng trang giấy như thế này: “Nếu nhận được học bổng, mình sẽ trở thành người như thế này … mình sẽ làm việc như thế kia … cuộc sống của mình sẽ đổi thay như thế nọ …” để tưởng tượng về một tương lai “an toàn” trước mắt, thay vì cảm thấy bị trói buộc bởi hoàn cảnh bấp bênh hiện tại. Khi nhận được tin có học bổng toàn phần, tôi cảm thấy gánh nặng ngàn cân được trút bỏ. Và cảm giác “an toàn” ấy cũng đến, và kéo dài được … khoảng 30 phút (!)
Những năm gần đây, tôi học cách chế ngự cảm giác lo lắng của mình, tìm cách sống chung với sự “không an toàn”, và dùng nó làm động lực để làm việc hiệu quả hơn, thay vì sợ hãi và stress vì nó. Tôi nhận ra những lúc mình cảm thấy không an toàn: khi bỏ tâm huyết vào một việc quan trọng mà không thấy hồi đáp, khi nhận ra mình thực sự không hiểu biết nhiều như mình nghĩ, khi nhận được chỉ trích, và gần đây nhất, khi nghĩ về tương lai. Những lúc như thế, tôi thường dừng mọi việc mình đang làm lại, hít vào một hơi thật sâu sự biết ơn, và thở ra thật nhiều sự kỳ vọng. Tôi cố gắng tập trung nghĩ về những việc mình đã làm được, trân trọng những gì mình đang có, và nỗ lực thay đổi những gì mình có thể thay đổi được. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nó dễ thương và bình yên hơn ta thường mường tượng.
Trường lớp, cuộc sống, sách self-help dạy ta phải luôn nhìn về phía trước, phải không ngừng thay đổi, phải làm điều gì đó thật lớn lao. Đây có thể là “liều thuốc” cần thiết cho những người cảm thấy lười nhác, ì trệ, thiếu chí tiến thủ… Nhưng với những người luôn nỗ lực hết sức mình (và hơn thế nữa), cần lắm một vài phút giây ngơi nghỉ, nhìn lại con đường mình đã qua, khẳng định lại những gì mình đã làm, và yêu bản thân hơn chút nữa. Câu nói: “Mọi thứ sẽ ổn” chỉ thành sự thật khi bản thân hoàn toàn tin tưởng vào điều đó. An toàn là ở chính nơi đây. Đừng sợ!
Ngày 30/12/2017: Bài học lớn nhất năm 2017