Việc nhầm lẫn trong chẩn đoán lâm sàng và áp dụng sai các phương pháp điều trị thủy đậu có thể khiến tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn. Dưới đây là 42 hình ảnh thủy đậu qua các giai đoạn cùng các biến chứng rõ nét giúp nhận biết và phân biệt thủy đậu với các bệnh lý ngoài da khác.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga - Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Thủy đậu là bệnh lý nhiễm trùng da thường có diễn biến nhẹ và tự khỏi sau khoảng 1 tuần khi phát ban xuất hiện. Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, nguy cơ cao biến chứng, di chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, cần chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, chặn đứng nguy cơ biến chứng bằng việc chủng ngừa vắc xin thủy đậu đầy đủ, đúng lịch cho cả trẻ em và người lớn.”Các dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Thủy đậu (tên khoa học: Chickenpox) là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus Varicella Zoster (VZV) với khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng thông qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt bắn chứa VZV của người bệnh khi nói chuyện/hắt hơi/ho và thông qua những tiếp xúc thông thường khác với người bệnh.
Bệnh thủy đậu có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu:
- Tổn thương tại chỗ: Là các dát sẩn, phát ban và mụn nước phỏng rộp chứa đầy dịch mủ với kích thước từ 0,1 - 0,5cm mọc trên vùng da nền bị dát đỏ, sưng nề, xuất hiện ở khắp mọi nơi trên cơ thể, vùng trung tâm của mụn nước thường hơi lõm xuống như hạt đậu và thường có vết vảy nhỏ ở phía trên. Các mụn nước này thường mọc ngoài da nhưng cũng có thể xuất hiện nhiều ở vùng niêm mạc mũi, miệng, thanh quản, hầu họng, khí quản, đường tiêu hóa và tiết niệu, thậm chí là vùng kín như bẹn, hậu môn, dương vật, âm đạo,…
- Các triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, trong những trường hợp tổn thương lan rộng, tình trạng sốt có thể nghiêm trọng hơn, sốt cao, kèm theo cảm giác suy nhược, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp trên, yếu cơ, các hạch thần kinh sưng to và gây đau,…
Bệnh thủy đậu có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, trẻ em hay người lớn cũng đều có nguy cơ lây nhiễm VZV và mắc bệnh thủy đậu. Bệnh gây ra những triệu chứng tương tự nhau ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên, bệnh thường diễn biến nặng hơn ở người lớn với nguy cơ rất cao biến chứng viêm phổi xuất hiện vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh sau khi các phát ban xuất hiện.
Đặc biệt, ở những người lớn có hệ miễn dịch kém, tỷ lệ thuỷ đậu biến chứng nặng lên đến 30 - 40%, thời gian điều trị, phục hồi kéo dài gấp 3 lần so với trẻ em và những người bình thường khác.
Thủy đậu thường gặp ở trẻ em và ít phổ biến hơn ở người lớn. Tuy nhiên, ở các nước nhiệt đới, tỷ lệ người lớn mắc bệnh thủy đậu thường cao hơn so với trẻ em. Theo kết quả báo cáo của một số bệnh viện tại Mỹ, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 11.000 người mắc bệnh thủy đậu đến thăm khám và điều trị. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em chỉ khoảng 2-3/1.000, trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ở người lớn có thể lên đến 8/1.000.
Hình ảnh mụn thủy đậu phân biệt với các bệnh khác
1. Hình ảnh nốt thủy đậu ở trẻ em
Ở trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể gây dị tật bẩm sinh, teo não, khuyết tật các chi, thậm chí tử vong. Đối với trẻ em, diễn biến bệnh lý thường ít nghiêm trọng hơn, các triệu chứng thường nhẹ hơn, thường biểu hiện thông qua việc trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, sốt nhẹ, ốm, ho, sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, bú kém và sau đó 1 - 2 ngày, các phát ban đỏ ngứa ngáy xuất hiện, dần dần tiến triển thành các mụn nước nhỏ, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ viêm trên mặt, da đầu, thân mình, trên cánh tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng,…
Các triệu chứng này thường thuyên giảm dần và biến mất sau khoảng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ không được chăm sóc cẩn thận và điều trị đúng cách, nguy cơ cao biến chứng, tử vong.
Dưới đây là một số hình ảnh các nốt thủy đậu gây nhiễm trùng ngoài da thường gặp ở trẻ em:
⇒ Tham khảo thêm: Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và phòng ngừa.
2. Hình ảnh nốt thủy đậu ở người lớn
Tương tự như trẻ em, người lớn khi mắc thủy đậu thường xuất hiện các triệu chứng phát ban, mụn nước chứa đầy dịch lỏng gây viêm trên khắp cơ thể cùng với đó là những triệu chứng giống cúm như mệt mỏi, đau nhức xương khớp và các cơ, chán ăn, nhức đầu, bứt rứt trong người, sốt,… khiến người bệnh dễ nhầm lẫn.
Ở người lớn, những triệu chứng này thường biểu hiện ở mức độ nặng nề và kéo dài hơn so với trẻ em. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, nguy cơ cao thuỷ đậu có thể gây biến chứng, di chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh, điển hình là biến chứng viêm phổi gây suy hô hấp vô cùng nguy hiểm.
Dưới đây là một số hình ảnh các nốt thủy đậu gây nhiễm trùng ngoài da thường gặp ở người lớn:
⇒ Xem thêm: Bệnh thủy đậu ở người lớn: Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm.
3. Hình ảnh phân biệt giữa thủy đậu và đậu mùa
Vào những thập kỷ trước, khi trình độ khoa học chưa phát triển, người ta thường nhầm lẫn bệnh thủy đậu và đậu mùa bởi triệu chứng nhiễm trùng ngoài da khá tương đồng với nhau. Trong khi đó:
- Các nốt tổn thương da do bệnh thủy đậu gây ra thường xuất hiện thành cụm, mảng, bắt đầu từ các vùng da ở mặt và ngực, sau đó lan dần sang các vùng da khác trên cơ thể, kể cả các niêm mạc miệng, mí mắt, mũi và vùng sinh dục. Các nốt thủy đậu thường có kích thước lớn hơn, chứa nhiều dịch mủ hơn, phồng rộp da to hơn và dễ vỡ hơn.
- Các nốt đậu mùa thường nhỏ hơn, ít dịch, căng cứng và khó vỡ hơn, có xu hướng tập trung ở các vùng da có nhiều các đầu dây cảm giác như vùng mặt, tay và chân.
Các nốt mụn lõm ở tâm điểm điển hình của bệnh đậu mùa
Các nốt phỏng rộp điển hình của bệnh thủy đậu
4. Hình ảnh phân biệt thủy đậu và đậu mùa khỉ
- Các phát ban, mụn nước, phỏng rộp do thủy đậu gây ra không mọc đồng loạt mà xuất hiện ở những thời gian khác nhau, trên một vùng da bị tổn thương thường có đầy đủ các giai đoạn của phát ban, bao gồm dát, sẩn, phát ban, mụn nước, vảy tiết và sẹo. Các vùng da bị tổn thương do thủy đậu thường là vùng da trên mặt và thân mình. Diễn biến của tổn thương do thủy đậu thường nhanh, chỉ trong vòng 7 - 10 ngày, các vết thương ngoài da sẽ thoái triển nhanh chóng, cơ thể bước vào giai đoạn phục hồi, ít để lại sẹo nếu được chăm sóc đúng cách.
- Đối với bệnh đậu mùa khỉ, các thương tổn ngoài da thường xuất hiện đồng loạt tại cùng một thời điểm nhưng diễn biến chậm, có xu hướng ly tâm và mọc nhiều ở trên mặt, lòng bàn chân, lòng bàn tay và vùng kín, rất dễ để lại sẹo xấu. Những nốt tổn thương do đậu mùa khỉ gây ra thường có kích thước lớn hơn so với thủy đậu, gây sốt cao và các hạch sưng to toàn thân.
Nốt mụn do đậu mùa khỉ thường to hơn so với thủy đậu
Hình ảnh các giai đoạn bệnh thủy đậu
Người mắc bệnh thủy đậu từ khi lây nhiễm VZV cho đến khi hồi phục thường trải qua 3 giai đoạn chính với sự thay đổi đáng kể, bao gồm:
1. Hình ảnh thủy đậu giai đoạn 1
Khi VZV lây nhiễm vào cơ thể, quá trình ủ bệnh bắt đầu và kéo dài khoảng 10 - 20 ngày. Sau khi thời kỳ ủ bệnh kết thúc, các triệu chứng khởi phát bắt đầu, gây ra tình trạng suy nhược cơ thể, uể oải, thiếu năng lượng, sốt nhẹ, chán ăn, đau nhức cơ và xương khớp,… Các triệu chứng này sẽ diễn ra trong khoảng 1 - 2 ngày sau đó các phát ban sẽ xuất hiện với những biểu hiện là các vùng da bị ửng đỏ, hơi nề nhẹ, vùng da bị tổn thương gồ cao hơn so với các vùng da xung quanh do bị sưng.
2. Hình ảnh thủy đậu giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2, tại vùng da bị sưng đỏ và phù nề, các phát ban đầu tiên xuất hiện, nổi lên các dát sẩn, nhanh chóng diễn tiến thành các mụn nước, phỏng rộp chứa dịch trong. Theo thời gian, quá trình gây viêm phát triển mạnh, các nốt mụn mủ tích tụ nhiều mủ hơn, căng hơn, mủ hóa vàng và đục hơn, dễ vỡ, hơi lõm nhẹ ở đỉnh các đầu mụn.
3. Hình ảnh thủy đậu giai đoạn 3
Nếu được chăm sóc và điều trị cận thận, đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần, người bệnh thủy đậu sẽ nhanh chóng tiến đến giai đoạn 3 - giai đoạn phục hồi. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng từ 1 - 2 tuần, các triệu chứng giảm nhanh chóng, các mụn nước khô, đóng thành vảy tiết, sau đó rụng dần và biến mất, có thể để lại sẹo nếu vùng da có vết thương nặng.
Hình ảnh bệnh thủy đậu nặng và các biến chứng
Trong nhiều trường hợp người bệnh chủ quan, không được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng bệnh thủy đậu có thể diễn biến nặng, nguy cơ cao biến chứng.
1. Hình ảnh thủy đậu nặng
- Thủy đậu mọc ở miệng, họng, lưỡi, mũi
Thủy đậu có thể xuất hiện trong niêm mạc miệng, lây lan xuống thanh quản gây tắc đường thở.
- Thủy đậu mọc ở mắt
Tổn thương củng mạc, viêm kết mạc hành tủy do thủy đậu
- Thủy đậu mọc ở vùng kín
Thủy đậu vùng kín dễ gây bội nhiễm, nhiễm trùng nặng, nguy cơ suy giảm khả năng sinh sản.
- Thủy đậu mọc trên da đầu
Thủy đậu có thể mọc trên da đầu, dễ tích tụ bụi bẩn, dầu thừa, vi nấm gây ra tình trạng nhiễm trùng phụ nặng nề trên da đầu.
2. Hình ảnh thủy đậu biến chứng nhiễm trùng da
3. Hình ảnh biến chứng thủy đậu gây viêm phổi
Viêm phổi là biến chứng nặng nề và phổ biến hàng đầu ở người lớn khi mắc thủy đậu.
⇒ Xem thêm: 8 biến chứng thủy đậu rất nguy hiểm cần đề phòng.
4. Hình ảnh thủy đậu biến chứng Zona
Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, VZV không bị đào thải mà tiếp tục khu trú tại các hạch thần kinh cảm giác và tái kích hoạt, gây bệnh zona thần kinh khi gặp các điều kiện thuận lợi.
⇒ Tìm hiểu thêm về: Bệnh zona thần kinh là gì? Nguyên nhân và triệu chứng.
5. Hình ảnh thủy đậu bội nhiễm
⇒ Xem thêm về: Thủy đậu bội nhiễm là gì? Dấu hiệu và cách điều trị.
Làm sao để thủy đậu nhanh khỏi và ngăn ngừa biến chứng?
Nếu chẳng may bị thủy đậu, điều quan trọng hàng đầu cần được thực hiện là chăm sóc và điều trị đúng cách, giúp người bệnh rút ngắn thời gian hồi phục và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như trên.
- Tiêm vắc xin ngừa thủy đậu đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em và người lớn là phương pháp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thủy đậu, từ đó chặn đứng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị mắc thủy đậu thông qua các triệu chứng khởi phát không điển hình như sốt nhẹ, mệt mỏi, ngứa râm ran toàn thân, cơ thể suy nhược,… cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đưa ra chẩn đoán chính xác và các chỉ định điều trị cùng hướng dẫn chăm sóc người bệnh thủy đậu đúng cách.
- Kiên trì và nghiêm túc sử dụng thuốc điều trị kháng virus, kháng viêm theo đúng kê toa và hướng dẫn bác sĩ để ức chế khả năng hoạt động của tác nhân gây bệnh, hạn chế tình trạng viêm nhiễm, đẩy nhanh quá trình làm lành thương tổn và phục hồi.
- Cách ly người bệnh, tránh cho người bệnh tiếp xúc với người khác, nhất là tại các tụ điểm đông người để ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng và hạn chế tối đa nguy cơ người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường, mắc thêm các bệnh lý khác, nguy cơ biến chứng bội nhiễm nguy hiểm.
- Không kiêng tắm và tránh gió, thay vào đó cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể và các vùng da bị tổn thương, nhiễm trùng do thủy đậu gây ra để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa, vi khuẩn, vi nấm,… tích tụ trên vết thương, khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, duy trì lượng calo cần thiết để cơ thể có đủ năng lượng để tham gia vào quá trình chiến đấu chống lại mầm bệnh. Đặc biệt chú ý tập trung bổ sung vitamin, khoáng chất và protein để tái tạo mô, thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tích cực cho quá trình đẩy lùi sự tấn công của virus.
- Hình thành thói quen tập thể dục, thể thao và vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để xây dựng thể trạng ổn định, tăng cường sức đề kháng chống lại thủy đậu và các bệnh lý khác.
⇒ Xem thêm: Cách điều trị thủy đậu nhanh nhất và an toàn ngay tại nhà.
Trên đây là hình ảnh thủy đậu qua 3 giai đoạn chính cùng các hình ảnh biến chứng rõ nét của bệnh, giúp xác định chính xác diễn biến của thủy đậu, phân biệt đúng bệnh thủy đậu với các bệnh lý nhiễm trùng ngoài da khác như đậu mùa hay đậu mùa khỉ. Dù là bệnh thủy đậu hay bất kỳ bệnh lý nào, nếu chẳng may mắc phải, tuyệt đối không tự ý sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà khi chưa có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.