Tại sao trẻ bị bướu máu?
Hiện chưa rõ nguyên nhân. Bướu máu không mang tính di truyền, không bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, vệ sinh, ăn uống.
Bướu máu ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Bướu máu lành tính, trẻ phát triển bình thường nhưng do đa số tập trung ở vùng đầu, mặt cổ nên có ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý bé khi lớn lên.
Khi điều trị muộn, bướu máu tăng sinh nhanh đến giai đoạn thoái hóa để lại những tĩnh mạch ngoằn nghèo hoặc dãn da lộ rõ, hoặc kèm phì đại mô mỡ và mô xơ làm mất tính thẩm mỹ.
Một số bướu dễ bị loét, nhiễm trùng khi lành để lại sẹo xấu trên da.
Một số ít bướu gây ảnh hưởng chức năng cơ quan tùy thuộc vị trí bướu: bướu ở thanh quản gây khó thở, bướu ở mi mắt gây che lấp tầm nhìn, bướu ở lưỡi gây khó ăn uống... Hiếm gặp hơn, bướu có thể phát triển rất nhanh kết hợp với rối loạn đông máu làm dễ chảy máu, giảm tiểu cầu nặng, ảnh hưởng đến tính mạng bé.
Trường hợp nào bướu máu cần điều trị ngay?
Bướu máu lớn nhanh đặc biệt hay gặp ở giai đoạn 0-8 tháng tuổi
Bướu máu vùng thẩm mỹ: quanh mắt, mặt, mũi, môi...
Bướu máu đường thở làm bé khó khè kéo dài và ngày càng khó thở.
Bướu máu loét, nhiễm trùng.
Điều trị bướu máu như thế nào?
Điều trị bướu máu có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Phá hủy bướu bằng dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ (dán phóng xạ), ánh sáng (laser) để đốt các tế bào bướu, hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu và may lại.
- Kiềm hãm sự phát triển của bướu bằng liệu trình dùng thuốc (corticoid thoa, chích hay uống) hay hóa trị.
-Với những trường hợp không thể can thiệp các biện pháp trên, đành chấp nhận chờ bướu thoái triển và xử lý di chứng.
Bướu máu mang tính chất lành tính, do đó các biện pháp điều trị chủ yếu có mục tiêu đảm bảo thẩm mỹ cho trẻ. Vì vậy khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bướu máu, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt,tránh bướu máu phát triển kích thước lớn.