“Em sẽ báo tin vui cho ba mẹ, sẽ mở tiệc ăn mừng cùng gia đình và bạn bè”.
Nghe có vẻ thú vị đấy nhưng thật sự rất ngây ngô.
Nên rạch ròi một điều rằng “Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?” hoàn toàn khác biệt với “Việc đầu tiên bạn sẽ làm là gì?”. Vậy nên đừng đưa ra những đáp án kiểu như gọi điện thoại cho gia đình, mở tiệc chúc mừng, tụ tập bạn bè,… hay đại loại là một dự định nào đó của bạn trong tương lai gần. Những điều này bạn làm hay không là tùy bạn, nhà tuyển dụng sẽ chẳng mảy may quan tâm. Thậm chí những đáp án này có thể khiến họ cảm thấy bạn thật trẻ con, chưa đủ trưởng thành để gánh vác các trọng trách, chưa đủ độ “chín” để sinh tồn và phát triển trong môi trường công sở.
“Em sẽ phát huy 100% công lực, cống hiến hết mình vì sự phát triển của công ty”.
Bạn thật nhiệt huyết, nhưng ngoài kia dễ có đến hàng trăm con người cũng nhiệt huyết y như bạn vậy. Và thường thì đó chỉ là lời nói đầu môi, nói rồi thôi chứ lúc nhận việc rồi chả mấy ai còn buồn nhớ đến.
Có thể ở thời điểm đưa ra lời hứa hẹn bạn tin rằng mình sẽ làm được nhưng sau khi thực sự bắt đầu công việc sẽ có ti tỉ lý do khiến bạn không thể giữ được lời hứa. Với con mắt sành sỏi sau khi kinh qua rất nhiều đợt tuyển dụng và tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn ứng viên, chứng kiến sự “trưởng thành” của những ứng viên trúng tuyển, bạn cho rằng nhà tuyển dụng có thể tin lời hứa của bạn hay không?
Vậy còn cách trả lời “Có thể hiện tại em không phải người giỏi nhất nhưng em sẽ phấn đấu để nhanh chóng trở thành người xuất sắc nhất” thì sao?
Công ty không phải là gia đình, không phải nơi sẽ cho bạn thật nhiều thời gian phạm sai lầm và đợi bạn trưởng thành. Bạn có thể học nhưng không thể học mãi mà không trở nên tốt hơn. Vậy nên có vẻ thể hiện tinh thần cầu tiến, trở thành phiên bản tốt hơn, hoàn hảo hơn của chính mình và đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng? Không đâu, câu trả lời vẫn còn rất chung chung, hứa hẹn quá đà và có phần hơi kiêu ngạo. Bạn sẽ không thể tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng với thái độ như thế.
Vậy, nên ứng xử như thế nào khi đối mặt với câu hỏi tưởng chừng như là vô thưởng vô phạt này?
Gợi ý cách trả lời “Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?”
“Có 3 điều nhà tuyển dụng tìm kiếm khi đưa ra câu hỏi “Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?” và bất kỳ câu trả lời nào của bạn cũng nên tập trung vào, đó là: tăng thêm giá trị ngay lập tức, giúp công việc của mọi người trở nên dễ dàng hơn và tiết kiệm hoặc tăng doanh thu cho công ty.”
Tạo ra giá trị ngay lập tức
Nhà tuyển dụng luôn tò mò muốn biết giá trị độc đáo mà bạn sẽ mang lại nếu được đảm trách công việc là gì. Do đó, bạn cần giải thích rõ cách bạn đóng góp cho doanh nghiệp dựa trên thế mạnh cá nhân.
Chẳng hạn như “Với kinh nghiệm bản thân, em tin mình có thể thích nghi nhanh chóng và hiệu quả khi bắt đầu công việc mới. Trong tuần đầu tiên, em sẽ làm quen với các thành viên trong nhóm cũng như tìm hiểu các quy trình đang được vận hành. Sau đó, em sẽ sử dụng những gì học được để tìm kiếm những khách hàng đầu tiên.
Em đã làm việc trong ngành này nhiều năm và cũng có khá nhiều mối quan hệ ở nhiều công ty khác nhau. Em sẽ liên hệ với những người quen biết và thuyết phục họ hợp tác bằng cách nhấn mạnh thực tế rằng sản phẩm và dịch vụ khách hàng của công ty là tốt nhất trong ngành. Ở vị trí trước đây, em đã đạt được mục tiêu của mình trong ba tháng đầu tiên và em tự tin rằng mình có thể làm được điều tương tự ở vai trò mới này”.
Dễ nhận thấy, cách phản hồi này tốt hơn là chỉ trả lời chung chung và mơ hồ như “Em sẽ cố gắng hết sức mình”… Điều quan trọng là nêu rõ giá trị bạn sẽ mang lại và cách bạn làm điều đó như thế nào để giúp nhà tuyển dụng thấy được sự phù hợp giữa kỹ năng, kinh nghiệm của bạn với nhu cầu của họ.
Giúp công việc của người khác trở nên dễ dàng hơn
Nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm người có thể gia tăng giá trị cho doanh nghiệp mà còn giúp giảm bớt khối lượng công việc của họ. Vì vậy, hãy cho họ thấy cách bạn có thể làm cho công việc của các đồng nghiệp trở nên dễ dàng hơn như thế nào khi trả lời câu hỏi “Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?”.
Cụ thể, bạn cần giải thích rõ các kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy sẽ giúp bạn làm việc thuận lợi ra sao, bạn không cần trải qua các khóa huấn luyện hay đào tạo dài kỳ nhưng vẫn nắm bắt được công việc hoặc bạn có thể làm việc ngoài mô tả để giúp nhóm hoàn thành mục tiêu chung hay có thể làm việc đa nhiệm hoặc sẵn sàng tăng ca khi cần thiết. Bất kỳ điều gì bạn đề cập đến thì nó cần khiến nhà tuyển dụng cảm thấy yên tâm và nhẹ nhõm khi có bạn đồng hành bởi vì bạn sẽ giúp đỡ họ cũng như hỗ trợ công ty hết mình.
Tiết kiệm hoặc tăng thêm doanh thu cho công ty
Như một lẽ hiển nhiên, các công ty đều quan tâm đến những việc và những ai có thể giúp họ tiết kiệm chi phí hoặc kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Vì vậy, khi trả lời câu hỏi bạn sẽ làm gì khi được tuyển dụng, một trong những điều không thể bỏ qua là hành động cụ thể mà bạn sẽ thực hiện để giúp công ty giảm chi phí hoặc tăng doanh thu.
Nếu ứng tuyển vào vị trí quản lý, bạn có thể nói về cách bạn lập kế hoạch ngân sách cho dự án mới và cắt giảm chi phí ở khía cạnh nào đó bằng cách thay thế hoặc thay đổi phạm vi công việc của nhà cung cấp. Hoặc nếu đang phỏng vấn cho vị trí bán hàng, bạn sẽ lấy lòng được nhà tuyển dụng nếu giải thích rõ về cách bạn có thể tạo ra doanh thu từ các thị trường ngách hoặc đối tượng khách hàng tiềm năng chưa được công ty chú ý đến.
Tất nhiên để có thể trình bày một cách tự tin và khiến nhà tuyển dụng gật gù tâm đắc, bạn cần phải hiểu biết về công ty, làm quen với các sản phẩm và dịch vụ của họ, phỏng đoán những thách thức và hiểu đối thủ cạnh tranh chính của họ. Điều này hoàn toàn không dễ nhưng cũng không quá khó nếu bạn thực sự nghiêm túc với công việc.
“Nếu được tuyển dụng bạn sẽ làm gì?” là một câu hỏi phức tạp và đòi hỏi nhiều sự hiểu biết lẫn suy nghĩ chín chắn để đưa ra câu trả lời đúng. Bạn cần xác định đâu là điều nên bỏ qua cũng như đâu là nội dung cần nhấn mạnh. Và điều quan trọng nhất khi mô tả hành động bạn sẽ thực hiện khi nhận được công việc là truyền đạt rõ ràng cho công ty biết những gì họ sẽ nhận được khi tuyển dụng bạn và những gì họ có thể bỏ lỡ nếu không làm điều đó.
Trang Đoàn