Ngày 13/5/1953, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an ký Nghị định số 74 quy định về tổ chức Công an các cấp, trong đó có quy định nhiệm vụ của Phòng Trinh sát II thuộc Vụ Bảo vệ chính trị gồm: Điều tra, khám phá các hoạt động do thám, phản động trong vùng tự do, bảo vệ kinh tế, chống âm mưu phá hoại của địch”; đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định việc hình thành lực lượng trinh sát chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế. Từ đây, tổ chức, nhiệm vụ của lực lượng an ninh kinh tế được hình thành từ Trung ương đến địa phương và Ngày 13/5 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng An ninh kinh tế Công an nhân dân.
Trải qua 70 năm (13/5/1953-13/5/2023) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với các lực lượng trong Công an nhân dân nói chung, lực lượng An ninh kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình nói riêng đã luôn kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác "Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công" góp phần bảo đảm tốt An ninh kinh tế trên địa bàn, lập nhiều chiến công xuất sắc, được cấp uỷ, chính quyền, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Với chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Trong suốt chặng đường 70 năm qua, trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, với các tên gọi khác nhau như "Phòng Trinh sát II ", "Ban Chính trị", "Vụ Bảo vệ kinh tế", "Cục Bảo vệ An ninh kinh tế- Văn hóa tư tưởng", "Cục An ninh kinh tế", lực lượng An ninh kinh tế Công an nhân dân đã luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Nam, phía Bắc, nhất là sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng Bảo vệ An ninh kinh tế hết sức nặng nề. Trong khi nền kinh tế dần ổn định và phát triển thì trình độ quản lý kinh tế còn rất hạn chế, hầu hết cán bộ quản lý chưa được đào tạo hoặc không có kinh nghiệm quản lý kinh tế. Do đó nạn tham ô, lãng phí, nạn đầu cơ xuất hiện ngày càng nhiều gây cản trở việc khôi phục, cải tạo và xây dựng kinh tế của đất nước, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Ở Miền Bắc, trong điều kiện vừa phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa phải tập trung bảo vệ các cơ quan, cơ sở kinh tế từ những nơi sơ tán trở về, ổn định và vừa phải tham mưu góp phần ổn định xây dựng nền kinh tế sau chiến tranh, lực lượng An ninh kinh tế đã cử hàng ngàn lượt cán bộ vào tăng cường cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở các thành phố, thị xã, trong những ngày đầu giải phóng… để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế ở miền Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng An ninh kinh tế Công an nhân dân đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an ban hành các chủ trương, chính sách, vừa chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, vừa tích cực phát triển kinh tế đi đôi với đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động trong việc phá hoại nền kinh tế Việt Nam, lợi dụng việc nước ta hội nhập sâu rộng, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế để chi phối nền kinh tế, thông qua kinh tế để tác động, chuyển hóa về chính trị đất nước.
Trong bối cảnh, nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế là rất lớn. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng An ninh kinh tế đã cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, nhất là những tác động đến lợi ích, an ninh kinh tế Việt Nam; tình hình phức tạp liên quan công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tình hình phức tạp liên quan đến hoạt động đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng; tình hình phức tạp về an ninh trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, tội phạm tấn công, xâm nhập trái phép vào các hệ thống ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; đã phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng lập các trang web, Facebook, Zalo ảo.. lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phối hợp điều tra, khởi tố nhiều vụ án nghiêm trọng về tham nhũng, thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng cho Nhà nước. Phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật...
70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trải qua các giai đoạn lịch sử, lực lượng An ninh kinh tế Công an nhân dân luôn khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những chiến công, thành tích đó, lực lượng An ninh kinh tế được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập… nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đối với lực lượng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình, thực hiện quyết định của Bộ Công an, tháng 3/1969, Ty Công an Ninh Bình đã tổ chức thành lập 3 đơn vị chuyên trách bảo vệ nền kinh tế gồm Phòng Bảo vệ kinh tế 1; Phòng Bảo vệ kinh tế 2 và Phòng Bảo vệ kinh tế 3 để thực hiện đấu tranh, bảo vệ an ninh kinh tế Nhà nước. Đến cuối năm 1975, đầu năm 1976, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá V, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà được hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh, lực lượng bảo vệ kinh tế của Công an tỉnh Ninh Bình được hợp nhất với lực lượng bảo vệ kinh tế của Công an Nam Hà tiếp tục tổ chức 3 đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế gồm Phòng Bảo vệ kinh tế 1, Phòng Bảo vệ kinh tế 2 và Phòng Bảo vệ kinh tế 3 với quy mô, tính chất, mức độ được mở rộng hơn. Ngày 1/4/1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, tỉnh Ninh Bình được tách ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh, Phòng Bảo vệ an ninh,kinh tế-Văn hoá tư tưởng được thành lập trực thuộc Công an tỉnh Ninh Bình và được thay đổi, cơ cấu, sắp xếp thành phòng An ninh kinh tế như ngày nay.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng An ninh kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình đã luôn sát cánh cùng các lực lượng khác đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động, gián điệp, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; chặn đánh các đợt càn quét, lấn chiếm vùng tự do của địch; tập trung đấu tranh chống đầu cơ tích luỹ lương thực góp phần giải quyết nạn đói; nắm chắc tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn phá hoại của địch, phát hiện điều tra xử lý các vụ chống phá công cuộc cải cách ruộng đất; bảo vệ công cuộc hợp tác hóa nông thôn, thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh; góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường Miền Nam.
Sau ngày hòa bình lập lại, lực lượng An ninh kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác tham gia khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh; đồng thời đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, góp phần giữ vững ANQG và TTATXH trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện, xử lý, phối hợp xử lý hàng trăm vụ vi phạm về tham ô tài sản, cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa…
Là đơn vị nòng cốt trong công tác bảo vệ An ninh kinh tế trên địa bàn, thời gian qua, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, căn cứ tình hình thực tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp công tác, qua đó góp phần bảo đảm tốt an ninh kinh tế của tỉnh. Căn cứ tính chất, đặc điểm của nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế trong từng giai đoạn, từng thời kỳ để chủ động vận dụng sáng tạo những phương châm công tác bảo đảm thiết thực, cụ thể.