Ngành Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Khoa Công nghệ May & Thiết kế thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Bộ sưu tập với chủ đề L'Astronaute của Thu Phương - sinh viên khoa CNM&TKTT
1. Ngành thiết kế thời trang có gì thú vị?
Nhắc đến ngành Thiết kế thời trang (TKTT), chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến những bộ sưu tập thời trang trên sàn diễn Việt Nam hay các tuần lễ thời trang quốc tế. Tuy nhiên, phạm vi của ngành thiết kế thời trang đa dạng hơn rất nhiều. Theo học ngành Thiết kế thời trang tại khoa Công nghệ may & Thiết kế thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên không chỉ học các học phần chuyên ngành về thời trang mà còn được phát triển nhiều kỹ năng để làm việc trong các lĩnh vực liên quan như kinh doanh, cố vấn hay truyền thông về thời trang.
Thiết kế thời trang là một ngành rất thú vị và có triển vọng nghề nghiệp tốt. Đây cũng là ngành giúp người học có nhiều cơ hội thể hiện sự sáng tạo, phong cách, cá tính bản thân thông qua những bộ sưu tập thời trang. Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp cũng tăng cao và không phân biệt giới tính, độ tuổi... Do đó, trong những năm gần đây, ngành Thiết kế thời trang đang trở nên hấp dẫn đối với các em học sinh ở ngưỡng cửa chọn ngành nghề bởi tính sáng tạo, chủ động trong công việc, đặc biệt là cơ hội việc làm rất tốt. Điều này đã thu hút đông đảo các em học sinh với mong muốn được đào tạo chuyên môn thiết kế thời trang một cách bài bản ở trường đại học uy tín để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và xã hội.
2. Học ngành Thiết kế thời trang ở đâu?
Hiện nay, các em học sinh có thể đăng ký dự tuyển để học ngành Thiết kế thời trang tại một số trường đại học. Mỗi trường lại có điều kiện và đặc thù riêng trong quá trình đào tạo. Trong bối cảnh đó, việc cân nhắc lựa chọn một môi trường học tập có tính chuyên nghiệp, lấy người học làm trung tâm và đặc biệt là tính ứng dụng thực tiễn cao trong thực tế đời sống, sản xuất và kinh doanh của ngành thời trang là rất quan trọng.
Được thành lập năm 1898, Đại học Công nghiệp Hà Nội có sứ mạng to lớn trong việc đào tạo nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, phục vụ xã hội và đất nước. Với chủ trương tạo lập cơ hội học tập phong phú, đa dạng cho tất cả người học để sinh viên có điều kiện phát huy tối đa tiềm năng của mình. Vì thế chương trình đào tạo cử nhân ngành thiết kế thời trang tại Đại học Công nghiệp Hà Nội trong những năm qua đã thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng.
Sinh viên Khánh Huyền với thiết kế ấn tượng mang chủ đề "Khải hoàn"
3. Điểm nổi bật của ngành Thiết kế thời trang tại Đại học Công nghiệp Hà Nội
3.1. Chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên
Chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Thiết kế thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo người học có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp đáp ứng nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực TKTT như: Nghiên cứu thị trường; TKTT; kinh doanh thời trang; tổ chức sự kiện thời trang.
Tháng 8/2023, ngành Thiết kế thời trang, ĐHCNHN đã hoàn thành kiểm định Chương trình đào tạo (CTĐT). Qua kết quả khảo sát chính thức, Đoàn chuyên gia đã đánh giá cao chất lượng của CTĐT ngành TKTT như: mục tiêu của chương trình được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và triết lý giáo dục của nhà trường, phù hợp với mục tiêu của giáo dục đại học quy định tại Luật Giáo dục đại học. Chuẩn đầu ra của CTĐT được xác định rõ ràng, bao quát được các yêu cầu chung và yêu cầu chuyên biệt mà người học cần đạt được sau khi hoàn thành CTĐT.
CTĐT ngành TKTT của nhà trường và gắn với thực tế như các môn học cơ sở: Nguyên lý thị giác, Hình họa, Cơ sở thiết kế quần áo, Thiết kế trang phục cơ bản… đến các môn chuyên ngành như: Thiết kế mẫu 3D, Thiết kế chuyển đổi trang phục, Minh họa thời trang, Đồ họa thời trang… Đồng thời, ngành cũng tập trung vào những học phần chuyên sâu như: TKTT trẻ em, Thực hành TKTT theo mùa, Thực hành TKTT dạ hội, TKTT nghệ thuật…
Các học phần được xây dựng theo hệ thống bài giảng từ cơ bản đến nâng cao, từ cắt may dựng rập đến tư duy thiết kế, xử lý chất liệu. Vì thế, chương trình học ngành thiết kế thời trang mang đến cho sinh viên kiến thức tổng quát về chuyên ngành, kiến thức về kỹ thuật thiết kế thời trang hiện đại, kiến thức liên quan đến sản xuất, kinh doanh giúp người học có được sự hiểu biết sâu rộng. Từ đó, sinh viên có thể chủ động phát triển sáng tạo dựa trên nền tảng kiến thức căn bản.
Đội ngũ cán bộ giảng viên ngành TKTT chất lượng, nhiệt tình, phương pháp giảng dạy hiện đại, không đi theo lối mòn. Nhiều bài giảng mở ra hướng tư duy mới, cách tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ để sáng tạo ra các sản phẩm thời trang độc đáo, mới lạ. Giảng viên có trình độ Tiến sĩ chiếm 33 % lực lượng giảng viên cơ hữu trong tổ TKTT. Đây là ưu điểm nổi trội của ngành nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, kiến thức chuyên môn giúp người học có năng lực vượt trội để thành công trong tương lai.
3.2. Nâng cao khả năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn
Chương trình học ngành TKTT tại Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp cận theo hướng thực hành và ứng dụng. Ngoài các học phần đại cương, sinh viên được học thực hành tại các phòng thiết kế, xưởng thực hành may, phòng máy tính…, tất cả các phòng thực hành được trang bị đầy đủ công cụ, thiết bị hiện đại và luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ cho người sử dụng một cách tối ưu nhất.
Tại phòng thiết kế, sinh viên được rèn luyện kỹ năng vẽ dáng người, thể hiện màu sắc, chất liệu vải. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng phân tích và thiết kế mẫu, đánh giá mẫu, chọn chất liệu vải phù hợp với trang phục. Sinh viên được tư vấn và hướng dẫn phương pháp để hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm thật thông qua bộ sưu tập thời trang.
Tại xưởng thực hành may, sinh viên được hướng dẫn cụ thể kỹ năng cắt và may sản phẩm thời trang từ cơ bản đến nâng cao, được cắt trực tiếp trên vải mẫu trang phục tốt nhất trong bộ sưu tập của mình. Trước đó sinh viên được hướng dẫn tính định mức vải cho từng sản phẩm riêng lẻ, phân biệt được tính chất của vải, nắm rõ công thức thiết kế và hiểu cặn kẽ việc tạo ra một sản phẩm thời trang là như thế nào.
Tại phòng máy tính, sinh viên được nắm bắt và sử dụng thành thạo phần mềm đồ họa ứng dụng trong ngành thời trang. Để cập nhật những thay đổi mới nhất trong ngành, cũng như đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Phần mềm được sử dụng nhiều trong ngành thiết kế thời trang là: Lectra và Adobe llustrator... Những phần mềm này giúp sinh viên vẽ được dáng người, sáng tác mẫu, thiết kế mẫu, hiệu chỉnh mẫu ảo một cách nhanh nhất mà không phải trực tiếp cắt may sản phẩm.
Xưởng Thực hành may, khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang
3.3. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại
Sinh viên theo học ngành TKTT tại Đại học Công nghiệp Hà Nộị được học tập trong môi trường thuận lợi, năng động có hệ thống cơ sở vật chất khang trang. Với hệ thống phòng làm việc, phòng học lý thuyết, phòng thực hành được đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại
3.4. Hệ thống xưởng thực hành may
Khoa CNM&TKTT có hệ thống 07 xưởng thực hành may hiện đại; mỗi xưởng được trang bị 22 máy may 1 kim, 2 máy vắt sổ, 2 bàn là hơi nước, 1 máy đánh chỉ… Hệ thống xưởng thực hành được sử dụng để phục vụ các học phần chuyên sâu.
- Phòng cắt: Được lắp đặt các thiết bị công nghiệp chuyên dùng hiện đại như: Máy 2 kim, máy chần đè, máy chần chun, máy thùa khuyết đầu bằng, máy thùa khuyết đầu tròn, máy cắt đầu bàn, máy cắt phá, máy cắt vòng, máy đính cúc.
- Hệ thống phòng thiết kế: Gồm 08 phòng được trang bị các bàn chuyên dụng để thực hiện các bài thiết kế. Trong đó có 03 phòng tích hợp vừa để thiết kế vừa là phòng vẽ bao gồm các tượng ngũ quan, tượng bán thân, tượng toàn thân, và hệ thống mẫu tĩnh vật phong phú.
- Hệ thống các phòng học máy tính: Gồm 03 phòng máy tính, mỗi phòng được lắp đặt 35 máy tính cấu hình cao được cài đặt các phần mềm hỗ trợ thiết kế ngành thời trang có bản quyền như Lectra, Adobe lluslator và được cập nhật liên tục.
Ngoài ra, khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang còn có các phòng thí nghiệm, phòng vẽ sơ đồ, phòng máy ép, máy nhồi bông… để phục vụ cho việc dạy và học đạt kết quả cao nhất.
Phòng học máy tính khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang
3.5. Triển vọng phát triển
Triển vọng phát triển nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang được thể hiện theo mức thời gian và năng lực tích lũy kinh nghiệm. Theo thống kê tình trạng việc làm hàng năm của sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang có mức thu nhập trung bình 12 triệu/tháng.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, số lượng sinh viên thành đạt của ngành thiết kế thời trang là 71 cựu sinh viên giữ các chức vụ như: Chủ tịch HĐ Quản trị, Giám đốc, Trưởng phòng thiết kế, Chủ thương hiệu thời trang, Quản lý doanh nghiệp, Chuyên gia tư vấn thiết kế thời trang… Cho thấy uy tín cùng với chất lượng đào tạo luôn là tiêu chí hàng đầu được ngành hướng tới. Đây cũng chính là tiền đề để hoạt động đào tạo ngành Thiết kế thời trang tại Khoa và Nhà trường ngày càng phát triển.
Một số bộ sưu tập ấn tượng của sinh viên ngành Thiết kế thời trang: