Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp do ung thư, việc chăm sóc đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo sự hồi phục tốt nhất và giảm thiểu các nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại ung thư vẫn còn tiếp tục ngay cả sau khi đã phẫu thuật thành công. Thực tế, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp vẫn có thể được xạ trị hoặc hóa trị nhằm loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Vậy chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần chú ý điều gì?
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp như thế nào?
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp phẫu thuật, tình trạng sức khỏe ban đầu của bệnh nhân, và liệu pháp hỗ trợ sau phẫu thuật: (1)
- Phương pháp phẫu thuật: Lựa chọn phẫu thuật ung thư nội soi loại bỏ ung thư tuyến giáp có thời gian hồi phục nhanh hơn so với phương pháp mổ hở kinh điển. Đường mổ phẫu thuật nội soi dài khoảng 3-4 cm, giúp đảm bảo thẩm mỹ, hạn chế biến chứng, an toàn hơn cho sức khỏe người bệnh.
- Tình trạng sức khỏe ban đầu của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phục hồi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Các yếu tố sức khỏe có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi:
- Tuổi tác: Người cao tuổi thường có thời gian phục hồi lâu hơn so với người trẻ.
- Sức khỏe tổng thể: Những bệnh nhân có sức khỏe tổng thể tốt thường phục hồi nhanh hơn so với những bệnh nhân có bệnh nền, như bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc tiểu đường…
- Hút thuốc: Hút thuốc có thể làm chậm quá trình lành vết thương và làm tăng nguy cơ biến chứng.
- Uống rượu: Uống rượu có thể tương tác với thuốc và làm chậm quá trình phục hồi.
- Các bệnh lý khác: Các bệnh lý khác, chẳng hạn như tiểu đường hoặc bệnh tim, có thể làm phức tạp quá trình phục hồi và làm tăng nguy cơ biến chứng.
- Chế độ dinh dưỡng và lối sống: Người có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn thường có khả năng phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật.
- Mức độ đáp ứng các liệu pháp hỗ trợ sau phẫu thuật: Sau cắt bỏ một phần, thùy giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần điều trị ổn định nội tiết bằng cách uống hormone suốt đời (đối với trường hợp cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp) hoặc theo liều chỉ định của bác sĩ. Mục đích sử dụng hormone thay thế là để thay thế hormone tuyến giáp, làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
- Tư duy tích cực: Tư duy tích cực, lạc quan giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn và tự tin hơn trong quá trình phục hồi. Việc duy trì tinh thần lạc quan và quyết tâm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được kết quả tốt.
- Hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng: Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng có thể giúp bệnh nhân cảm thấy lạc quan và tin tưởng hơn trong quá trình phục hồi.
Ngoài ra, một số thay đổi xuất hiện sau khi phẫu thuật có thể kể đến như: (2)
- Thay đổi giọng nói: Các triệu chứng khàn giọng, thanh âm thay đổi, khó nói to, thậm chí mất giọng có thể xảy ra. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn. Trường hợp mất tiếng vĩnh viễn ít khi xảy ra.
- Hạ canxi trong máu: Các tuyến cận giáp có thể bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên tình trạng này có thể chấm dứt sau khi bệnh nhân được bổ sung canxi đầy đủ. Một số dấu hiệu cảnh báo hụt canxi ở bệnh nhân sau mổ tuyến giáp như: cảm giác tê rần, ngứa râm ran ở môi, lòng bàn tay, bàn chân; co thắt cơ, chuột rút, đau nhức, mệt mỏi, cảm giác bồn chồn, lo lắng và trầm cảm
- Cổ họng cứng: Tình trạng này thường xuất hiện ở bệnh nhân sau mổ và sẽ giảm bớt sau 2-3 tuần. Bệnh nhân nên ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt nhằm hạn chế tắc nghẽn tại vùng hầu họng.
- Vùng cổ bị sưng, phù nề: Đây là triệu chứng bình thường và chúng sẽ vớt bớt, biến mất khi vết thương lành. Do vậy bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp không nên quá lo lắng. Bệnh nhân có thể tập các bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng cho vùng đầu cổ để đảm bảo các chức năng vận động.
Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp giúp phục hồi nhanh
Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần được chăm sóc đầy đủ, giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương, hồi phục sức khỏe. Một số lưu ý sau mổ K giáp bệnh nhân và gia đình nên chú ý như: (2)
- Các biện pháp hạn chế biến chứng: Tính chất của cuộc phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp không quá phức tạp, tuy nhiên một chút bất cẩn cũng có thể để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân như đổi giọng, mất giọng… Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị tốt nhất từ ekip chuyên gia, bác sĩ, phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm, tập trung và khéo léo trong từng thao tác mổ để giảm thiểu các biến chứng về sau cho bệnh nhân.
- Hạn chế nói chuyện lớn và nhiều sau mổ: Vị trí tuyến giáp và thanh quản khá gần nhau (đều nằm phía trước cổ). Đây là lý do nhiều bệnh nhân sau mổ cắt bỏ tuyến giáp thường cảm thấy đau nhức, cứng họng, khó nói chuyện. Lời khuyên của bác sĩ chính là bệnh nhân cần hạn chế nói chuyện lớn và nhiều sau mổ, tuyệt đối không cố gắng nói chuyện khi vết mổ và cổ họng còn đau. Đồng thời nên nói chậm rãi, âm lượng nhỏ.
- Hạn chế vận động: Thời gian hồi phục thể trạng sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào lựa chọn điều trị. Bệnh nhân mổ nội soi sẽ hồi phục nhanh hơn so với mổ hở kinh điển. Nhìn chung, thời gian hồi phục ít nhất 1-2 tuần sau mổ. Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh, gắng sức.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh: Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư nhanh chóng hồi phục thể trạng. BS.CKI Trần Quốc Hoài khuyến nghị bệnh nhân sau mổ tuyến giáp nên ưu tiên thức ăn được nấu dạng mềm, lỏng, dễ nhai nuốt nhằm giảm áp lực lên vùng cổ và hệ thống tiêu hóa. Đồng thời, bệnh nhân nên uống đủ nước, bổ sung thêm các loại rau củ quả tươi, trái cây nhằm tăng cường dung nạp vitamin và khoáng chất.
Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đúng cách.
- Thư giãn tinh thần: Bất kể điều trị bệnh lý gì, bệnh nhân đều cần duy trì năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng cũng như lời khuyên của bác sĩ giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật ung thư. Từ đó sớm quay lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường.
- Tái khám định kỳ: Điều này nhằm đánh giá và theo dõi mức độ phục hồi của bệnh nhân và có hướng xử trí thích hợp nếu có dấu hiệu ung thư quay trở lại. Bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám bác sĩ đã chỉ định kết hợp uống thuốc đúng liều theo toa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau mổ, bệnh nhân và gia đình cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị trực tiếp để được tư vấn.
Trở lại cuộc sống hàng ngày sau mổ ung thư tuyến giáp
Thông thường, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường mất 2-3 tuần để có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể sẽ đối mặt với các triệu chứng mệt mỏi, trầm cảm, giảm tập trung và trí nhớ, tăng cân không rõ nguyên nhân, táo bón, co rút cơ, đau nhức xương khớp. Đối với bệnh nhân nữ, tình trạng rong kinh, giảm ham muốn tình dục, hoặc rối loạn chu kỳ có thể xảy ra do ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe và điều trị. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ Sản Phụ khoa là quan trọng để xác định và điều trị các vấn đề này.
Việc uống thuốc thay thế tuyến giáp (thyroxine) sau phẫu thuật là rất quan trọng để duy trì cân bằng hormone trong cơ thể. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi nồng độ hormone trong máu thường xuyên và có những điều chỉnh liều lượng thuốc thay thế hormone phù hợp cho đến khi từng cá nhân cảm thấy thoải mái, không còn các triệu chứng mất cân bằng nội tiết. (4)
Những điều trị cần thiết sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, ngoài sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm,… trong thời gian 7-10 ngày sau mổ, bác sĩ có thể bổ sung canxi bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch giúp ngăn ngừa hạ canxi huyết.
Bệnh nhân cũng cần điều trị bằng các phương pháp bổ sung khác để loại bỏ triệt để các tế bào ung thư còn sót lại, duy trì nồng độ hormone tuyến giáp cho cơ thể. BS.CKI Trần Quốc Hoài cho biết, một số lựa chọn điều trị phổ biến áp dụng cho bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp như:
- Bổ sung hormone tuyến giáp: Sau khi loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp để đảm bảo ổn định nội tiết trong cơ thể, hoạt động trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật, lượng hormone tuyến giáp dự trữ trong cơ thể bệnh nhân vẫn còn nên bệnh nhân cảm thấy bình thường. Tuy nhiên liều lượng bổ sung hormone có thể tăng liều lượng qua thời gian theo chỉ định của bác sĩ trên từng thể trạng. Bệnh nhân cắt bỏ toàn bộ ung thư tuyến giáp cần uống bổ sung hormone suốt đời.
- Đồng vị phóng xạ I-ốt 131: Là đồng vị phóng xạ của I-ốt. Bệnh nhân sau mổ cắt bỏ tuyến giáp nhằm mục đích tìm diệt các khối u nhỏ, tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Sau khi uống đồng vị phóng xạ I-131, bệnh nhân nên được cách ly, hạn chế tiếp xúc với mọi người trong thời gian quy định.
- Hóa trị liệu: Chỉ định đối với trường hợp phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển, tế bào ung thư lan rộng và xâm lấn hạch bạch huyết, di căn các cơ quan như xương, phổi, gan và không phản ứng với phương pháp điều trị đồng vị I-ốt phóng xạ 131. Lúc này, bác sĩ có thể thay thế bằng các loại thuốc kháng ung thư khác để tìm diệt triệt căn tế bào ung thư.
- Xạ trị: Phương pháp áp dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp phát hiện ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã lan rộng ra ngoài tuyến giáp và không phản ứng với I-ốt 131. Phương pháp này nhằm kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.
Theo dõi bệnh tái phát sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Mặc dù phẫu thuật có thể đánh giá thành công, tuy nhiên bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau mổ vẫn cần theo dõi sát sao nhằm có hướng xử trí phù hợp trong tình huống ung thư tái phát. Do đó sau điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Trong lần tái khám, bác sĩ có thể thăm hỏi người bệnh về các triệu chứng, đồng thời xét nghiệm máu hoặc thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, xạ hình.
Việc theo dõi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp không chỉ đánh giá nguy cơ ung thư tái phát mà còn giúp đánh giá các tác dụng phụ xảy đến từng trường hợp bệnh. Thực tế, phương pháp điều trị ung thư nào cũng có thể để lại tác dụng phụ.
Vậy bệnh nhân cần làm gì để hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tái phát?
Bệnh nhân cần thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn phù hợp với thể trạng của bản thân. Đồng thời, lên kế hoạch tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh hút thuốc và các thức uống chứa cồn, nước ngọt có ga… Những thay đổi này có tác động tích cực đối với sức khỏe chung, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ ung thư tái phát trong tương lai.
Đến nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng, vitamin, khoáng chất và các thảo dược… đều chưa được chứng minh có khả năng hạn chế nguy cơ ung thư quay trở lại. Do đó, việc sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào cần được thông báo đến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể, tránh những sản phẩm có thể gây hại.
Phát hiện sớm ung thư, điều trị kịp thời và hiệu quả là việc quan trọng và cần thiết. Để thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin:
Hầu hết bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng phục hồi khả quan. Ung thư tuyến giáp tiến triển khá chậm, tuy nhiên bệnh cũng có thể tái phát sau 10-20 năm. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần thăm khám định kỳ, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ và tập thể dục… giúp hạn chế nguy cơ ung thư quay trở lại.