Nhiều người cho rằng quả trám và cà na là một, số khác lại cho rằng đó là tên gọi của 2 loại quả khác nhau. Vậy rốt cuộc quan điểm nào mới là đúng? Hãy cùng đi tìm đáp án chính xác nhất với những phân tích dưới đây bạn nhé!
Quả trám và cà na có phải là một?
Để hiểu rõ quả trám và cà na có phải là một, trước hết chúng ta cần tìm hiểu tên gọi của loại quả ở từng vùng miền. Cà na thường được người miền Nam, nhất là ở các tỉnh Tây Nam bộ gọi để mô tả loại quả có hình bầu dục, dài khoảng 3cm, có màu trắng xanh, thu hoạch vào khoảng 7 hoặc tháng 8 âm lịch.
Cà na hay còn có tên gọi khác là quả trám, thanh quả,... là một loại cây thuộc chi Trám. Đây chính là quả trám trắng theo cách gọi của người miền Bắc. Như vậy, với câu hỏi “quả trám có phải quả cà na không?” thì thực chất đó là một. Quả trám có hai loại: Trám trắng (Canarium album Raeusch) và trám đen (Canarium nigrum Engl). Quả cà na chính là loại trám trắng.
Trám là loại quả mọc trên cây thân gỗ cao khoảng 10 - 25m. Lá của cây này màu nâu nhạt, nhiều lông mềm, phiến lá có hình trái xoan ngược, mọc so le. Quả trám khi non và xanh có màu xanh nhạt, khi già chuyển dần sang màu xanh đậm (đối với trám trắng hay còn gọi là cà na) hoặc màu đen (đối với trám đen). Ở nước ta, cây này sống được trên nhiều loại đất, miền Nam tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ, miền Bắc cây phát triển nhiều ở Hòa Bình, Sơn La và một số tỉnh trung du, miền núi khác.
Quả trám hay cà na được dùng để chế biến món ăn rất ngon, có thể kho cùng thịt hoặc cá. Với cà na (trám trắng), bạn chỉ cần rửa sạch, chấm muối ớt là đã có thể ăn ngay. Ngoài việc ăn lạ miệng, kích thích vị giác, loại quả này còn mang lại một số công dụng tốt cho sức khỏe hoặc dùng làm các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Quả trám có tác dụng gì?
Nhiều nghiên cứu khẳng định trong quả trám chứa rất nhiều hoạt chất như protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten,… và một số khoáng chất như Ca, K, P, Fe, vitamin C,... Do đó, bạn có thể bổ sung quả này vào thực đơn để chế biến các món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, trám còn mang lại công dụng chữa bệnh hiệu quả. Theo y học cổ truyền, quả trám có vị hơi chua, ngọt nhẹ, quả xanh vị hơi chát, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi hầu họng, không độc. Quả xanh có tác dụng giải độc, còn quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả trám mà bạn có thể tham khảo như sau:
Chữa viêm họng mãn tính, khàn giọng, sưng rát: Bạn chuẩn bị 6g trám, 6g trà xanh và 1 thìa mật ong 1 thìa. Sau đó, bạn cho trám vào đun sôi 5 phút, tiếp theo cho trà xanh vào sắc tiếp trong vòng 10 - 15 phút rồi chắt lấy nước, thêm mật ong vào rồi uống dần từng ngụm.
Trị đau đầu, đau họng, chướng bụng: Với bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị 60g trám tươi, 15g hành, 10g gừng tươi, 10g tử tô. Sau đó, bạn đem sắc tất cả với 1,2 lít nước, lúc nào còn khoảng 0,5 lít thì thêm chút muối ăn rồi uống.
Giã rượu: Bạn lấy khoảng 12 quả trám rửa sạch, sau đó lấy dao khía 4,5 đường, sau đó cho phèn chua vào vết khía. Bạn lấy trám nhai nhỏ nuốt dần để giã rượu.
Chữa mất ngủ kéo dài: Để giảm tình trạng này, bạn lấy khoảng 2 - 3 quả trám trắng bỏ hạt và đập dập lấy nước uống.
Điều trị mất tiếng, viêm amidan, viêm họng cấp, khô rát cổ: Bạn lấy trám rửa sạch, sau đó muối lên như cách chúng ta vẫn thường muối cà. Mỗi ngày bạn lấy một ít ngậm hoặc pha nước uống.
Trị hóc xương cá: Dùng trám là cách chữa hóc xương cá tại nhà được nhiều người áp dụng. Trong trường hợp này, bạn lấy quả trám trắng hoặc trám đen nhai kỹ rồi nuốt dần. Tuy nhiên, cách làm này chỉ phù hợp áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.
Một số món ngon chế biến từ quả trám
Dưới đây là một số món ngon chế biến từ quả trám mà bạn có thể chế biến để đổi vị cho cả gia đình:
Món ăn từ trám trắng (cà na)
Trám trắng có vị hơi chua, nhưng khi nấu lên thì chế biến thì rất dễ ăn. Bạn có thể chế biến như sau:
- Cà na ngào đường: Với món ăn này, bạn đun sôi nước rồi thả cà na vào luộc chừng 10 phút, sau đó vớt ra và rửa sạch. Sau khi cà na ráo nước thì bạn cho khoảng 400ml nước lọc cùng với đường phèn vào. Khi nước sôi đường tan thì thả cà na vào, đảo đều cho cà na thấm đường. Sau đó, bạn bật nhỏ lửa, đun đến khi đường còn sền sệt là được.
- Cà na trộn muối ớt: Bạn đem cà na ngâm nước muối loãng khoảng 1 tiếng rồi vớt ra rửa sạch. Sau đó, bạn đập dập cà na, cho vào âu lớn. Tiếp theo, bạn thêm muối, đường, bột ớt vào và trộn đều là đã có thể thưởng thức.
Món ăn từ trám đen
Khác với trám trắng, trám đen thường được dùng để nấu lên và chế biến thành các món có thể ăn cùng cơm trắng. Một số cách nấu trám đen phổ biến như:
- Trám đen kho thịt, cá: Quả trám sau khi om với nước ấm để mềm ra thì sẽ dùng để kho kỹ cùng với thịt ba chỉ hoặc cá. Với cách này, thịt sẽ không còn quá ngấy, vị béo ngậy của trám tiết ra sẽ làm món ăn rất đậm đà và đưa miệng.
- Xôi trám đen: Thông thường, một chõ xôi với 3 - 5 cân gạo nếp cần khoảng 1/3 là nhân trám. Sau khi vo gạo nếp, ngâm gạo, bạn rửa sạch trám. Trám đen được om chín, bạn bóc lớp vỏ mỏng dính bên ngoài rồi tách hạt lấy phần cùi. Tiếp theo, bạn xóc cùng gạo, cho thêm ít muối và cho vào chõ đun nhỏ lửa. Xôi đồ xong chuyển thành màu tím khá đẹp mắt, mùi thơm của nếp hòa cùng mùi trám rất kích thích vị giác.
Với những thông tin trên đây, bài viết đã giải đáp băn khoăn “quả trám và cà na có phải là một hay không?” cũng như giúp bạn hiểu thêm tác dụng của loại quả này và hướng dẫn một số món ăn ngon, độc đáo. Mùa trám thường chỉ kéo dài trong vòng 1 - 2 tháng, vì thế bạn đừng bỏ lỡ một loại quả có thể chế biến được nhiều món ngon này để đổi vị cho bữa ăn gia đình nhé!
Xem thêm: Ăn trám có tốt không? Những lợi ích khi ăn quả trám