Mặc dù số lượng bạch cầu mono (bạch cầu monocyte) chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ thể nhưng bạch cầu mono lại có chức năng quan trọng. Vậy, vai trò cơ bản của bạch cầu mono là gì hay bạch cầu mono có chức năng gì?
Bạch cầu mono là gì?
Bạch cầu mono (Monocytes) là một loại tế bào bạch cầu nằm trong máu và các mô, đại diện cho các tế bào có khả năng tác động đến miễn dịch với các thụ thể chemokine và các thụ thể nhận biết mầm bệnh lưu thông trong máu hoặc nằm trong các cơ quan bạch huyết.
Bạch cầu monocyte (hay bạch cầu đơn nhân) có ở tất cả các loài động vật có xương sống, nhưng nồng độ bạch cầu này trong máu ở các loài khác nhau sẽ khác nhau. Trong đó, bạch cầu đơn nhân được tìm thấy ở người có thể được chia thành hai tập hợp con dựa trên sự biểu hiện của phức hợp thụ thể lipopolysacarit CD14 và thụ thể globulin miễn dịch TcγRIII CD16, được gọi là bạch cầu đơn nhân CD14 + và bạch cầu đơn nhân CD16 +. “Tuổi thọ” của bạch cầu đơn nhân trong cơ thể là khoảng 24 giờ [1].
Bạch cầu mono rất cần thiết cho cả hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích nghi vì loại tế bào bạch cầu này có khả năng biệt hóa thành đại thực bào và tế bào đuôi gai.
>> Tham khảo thêm: Bạch cầu hạt là gì?
Cấu tạo và thành phần bạch cầu mono
Đặc điểm của bạch cầu mono chính là tế bào có chứa duy nhất một hạt nhân một thùy hoặc hai thùy, có độ mềm và xốp. Cũng chính vì thế, bạch cầu mono còn được gọi là bạch cầu đơn nhân.
Phần nhân của bạch cầu mono chứa một mạng lưới chất nhiễm sắc đặc trưng với các sợi nối liền các cụm chất nhiễm sắc nhỏ. Các khối nhiễm sắc thể được sắp xếp ở mặt trong của màng nhân.
Thành phần còn lại của bạch cầu mono chính là tế bào chất, chứa một số lượng lớn các hạt tế bào chất, thường có rất nhiều ở phía màng tế bào. Tế bào chất chứa ty thể rất nhiều. Phức hợp Golgi cũng hiện diện cùng với trung thể trong nhân.
>> Tìm hiểu thêm về: Bạch cầu lympho
Giải phẫu học bạch cầu monocyte trong cơ thể
1. Bạch cầu mono nằm ở đâu?
Bạch cầu đơn nhân hình thành trong mô xương xốp của xương (tủy xương). Sau khi các tế bào trưởng thành sẽ bắt đầu di chuyển theo máu đến các mô trong cơ thể để cùng với các tế bào khác trong hệ thống miễn dịch thực hiện vai trò bảo vệ cơ thể bạn khỏi bị nhiễm trùng.
Ở một người trưởng thành, bạch cầu đơn nhân ngoài ở trong máu còn nằm trong lách, hạch bạch huyết và các mô, cơ quan trong cơ thể.
2. Hình dạng bạch cầu mono dưới kính hiển vi
Khi quan sát bạch cầu mono dưới kính hiển vi, có thể thấy:
- Tế bào bạch cầu đơn nhân có đường kính dao động từ 14-20 µm, là tế bào lớn nhất trong máu ngoại vi [2].
- Các đặc điểm hình thái của tế bào bạch cầu đơn nhân bao gồm hình dạng tế bào không đều, nhân hình bầu dục hoặc hình giống như quả thận, túi tế bào chất và tỷ lệ nhân/tế bào chất cao (3:1).
- Bề mặt của bạch cầu đơn nhân chứa các nếp gấp phồng lên. Do bạch cầu đơn nhân có tính di động và thực bào nên việc giảm độ cong của tế bào bằng cách hình thành các nếp gấp làm giảm lực đẩy với các nhóm điện tích âm tiếp cận tế bào.
- Màng tế bào bạch cầu mono cũng được đặc trưng bởi nhiều vi nhung mao, giúp vận động và bám dính vào các tế bào khác.
- Nhân bạch cầu đơn nhân có hình dạng giống như một hạt đậu sần sùi hay một vòng tròn không đều, có vết lõm, dễ được liên tưởng đến hình dạng của móng ngựa. Nhân thay đổi hình dạng khi tế bào di chuyển khắp cơ thể bạn.
- Nhân của tế bào bạch cầu mono nằm ở vị trí trung tâm tế bào, nổi rõ trên bề mặt và vẫn gấp nếp chứ không có nhiều thùy. Màu nhân tế bào bạch cầu mono quan sát dưới kính hiển vi thường là màu xanh nhạt hoặc xanh đậm và tím.
- Trong khi đó, tế bào chất kích thước nhỏ và thon dài, có màu tím nhạt giống như màu hoa cà.
- Đường kính của các hạt tế bào nhỏ bên trong tế bào chất có đường kính 0,05 đến 0,2 µm. Các hạt tế bào xuất hiện dày đặc và đồng nhất với một màng giới hạn.
3. Số lượng bạch cầu mono trong cơ thể
Số lượng bạch cầu mono ở một người bình thường khỏe mạnh chiếm khoảng từ 5-12% tổng số tế bào bạch cầu của cơ thể [3]. Điều này tương đương với khoảng 500 đến 1200 bạch cầu đơn nhân trên mỗi microlit máu ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Chức năng của bạch cầu mono
Chức năng của bạch cầu mono là gì? Có thể nói, bạch cầu đơn nhân là một loại tế bào có chức năng khá đặc biệt bởi:
- Bạch cầu mono là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống miễn dịch bẩm sinh vì loại tế bào này sẽ biệt hóa thành quần thể tế bào đuôi gai và đại thực bào, có liên quan đến việc điều hòa cân bằng nội môi tế bào.
- Không chỉ vậy, các tế bào bạch cầu mono cũng thường xuyên thực hiện việc “tuần tra” khắp cơ thể để tìm mầm bệnh và điều chỉnh phản ứng miễn dịch trong quá trình nhiễm trùng và viêm.
- Bạch cầu đơn nhân còn có chức năng như tế bào thực bào và tế bào trình diện kháng nguyên trong máu ngoại vi để loại bỏ vi sinh vật, kháng nguyên và tế bào chết hoặc bị hư hỏng.
- Các tập hợp con khác nhau của bạch cầu mono tạo ra các cytokine khác nhau để “huy động” thêm các tế bào và protein vào các khu vực bị ảnh hưởng để tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả cho cơ thể.
- Một tập hợp con cụ thể của bạch cầu đơn nhân, được gọi là bạch cầu đơn nhân chuyển tiếp, có liên quan đến việc kích hoạt tế bào T.
- Đặc biệt, tế bào đơn nhân có tính dẻo cao và không đồng nhất, có thể thay đổi kiểu hình chức năng tùy thuộc vào kích thích của môi trường.
Vai trò của bạch cầu mono
Bạch cầu mono đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vai trò của các tế bào bạch cầu mono được xem như “lính cứu hỏa” với chức năng dập tắt những tác nhân gây hại. Trong khi đó, các loại vi trùng giống như đám cháy. Khi vi trùng xâm nhập vào các mô bên trong cơ thể, các tế bào đơn nhân sẽ nghe thấy tiếng báo động và thực hiện chức năng dập tắt đám cháy.
Các tế bào bạch cầu mono sẽ biệt hóa thành 2 dạng tế bào:
- Tế bào đuôi gai: Vai trò của tế bào đuôi gai là thực hiện cảnh báo các tế bào khác trong cơ thể để cùng chống lại nhiễm trùng. Các tế bào đuôi gai cư trú trong các mô bề mặt; chẳng hạn như ngay dưới da và trong niêm mạc mũi, phổi, dạ dày và ruột,… Khi một vi trùng xâm nhập vào các mô trong cơ thể, các tế bào đuôi gai sẽ thu thập kháng nguyên của vi trùng xâm nhập và giải phóng các protein (cytokin) thông báo cho các tế bào bạch cầu khác đến vị trí nhiễm trùng và tiêu diệt “kẻ xâm lược” nguy hiểm này.
- Đại thực bào: Tế bào đại thực bào còn được gọi là tế bào “nhặt rác”, giúp cơ thể chống lại một số bệnh nhiễm trùng, tiêu diệt tế bào ung thư và giúp các tế bào bạch cầu khác loại bỏ các mô chết hoặc các mô bị tổn thương, các mô đã hỏng đang nằm bên trong cơ thể. Khi có vi trùng xâm nhập, các tế bào đại thực bào bao quanh mầm bệnh xâm nhập và dùng các enzyme độc hại trong tế bào để tiêu diệt mầm bệnh.
Những tình trạng ảnh hưởng đến bạch cầu mono thường gặp
Hai vấn đề liên quan đến bạch cầu mono thường gặp nhất chính là tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu mono so với thông thường. Trong đó:
1. Tăng bạch cầu mono
Tăng bạch cầu mono là tình trạng số lượng bạch cầu mono trong máu quá cao, khiến cho số lượng bạch cầu đơn nhân tuyệt đối lớn hơn hoặc bằng 1 × 10^9 bạch cầu đơn nhân trên một ml máu. Tình trạng này thường do nhiễm trùng mãn tính hoặc do cơ thể đang chiến đấu với các vấn đề sức khỏe như:
- Bệnh tự miễn dịch ( bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp,…)
- Rối loạn máu
- Ung thư (bệnh bạch cầu, ung thư hạch,…)
- Bệnh tim mạch
- Rối loạn viêm
- Căng thẳng ngắn hạn hoặc dài hạn, chẳng hạn như tập thể dục cường độ cao quá mức có thể gây ra số lượng bạch cầu đơn nhân cao tạm thời
2. Giảm bạch cầu mono
Giảm bạch cầu mono là tình trạng số lượng bạch cầu đơn nhân trong máu quá thấp làm cho số lượng bạch cầu đơn nhân tuyệt đối nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 × 10^9 bạch cầu đơn nhân trên một ml máu. Nguyên nhân thường là do:
- Bị bỏng
- Bị HIV
- Nhiễm trùng máu, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết do vi khuẩn
- Mắc bệnh thiếu máu không tái tạo
- Cơ thể phản ứng với hóa trị hoặc xạ trị
- Thiếu hụt GATA2 di truyền
- Chạy thận nhân tạo
Triệu chứng cơ thể khi bạch cầu mono bị rối loạn
Tình trạng rối loạn số lượng bạch cầu đơn nhân thường không gây ra những triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp một số triệu chứng khi tế bào mono quá cao hoặc quá thấp. Điều này là do các triệu chứng của các bệnh lý nguyên nhân gây rối loạn bạch cầu mono.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, mệt mỏi, cơ thể có biểu hiện sưng viêm,…
Phương pháp xét nghiệm bạch cầu mono
Thông qua xét nghiệm và phân tích công thức máu, bạn có thể biết được sức khỏe bạch cầu đơn nhân của mình hiện tại như thế nào. Hai xét nghiệm có thể chẩn đoán số lượng tế bào mono trong cơ thể gồm có:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch và xác định các tình trạng bệnh, các bệnh nhiễm trùng khác nhau bằng cách đếm tế bào máu. Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp đếm năm loại tế bào bạch cầu trong máu và xác định phạm vi bình thường của bạch cầu đơn nhân để xác định tình trạng tăng hoặc giảm bạch cầu mono so với phạm vi thông thường.
- Xét nghiệm số lượng bạch cầu đơn nhân tuyệt đối: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm xác định có bao nhiêu bạch cầu đơn nhân trong mẫu máu của người bệnh. Số lượng bạch cầu đơn nhân tuyệt đối được xác định bằng cách nhân tỷ lệ phần trăm bạch cầu đơn nhân được tìm thấy trong công thức máu hoàn chỉnh với tổng số lượng bạch cầu trong cùng một mẫu. Kết quả một lần nữa xác định số lượng bạch cầu mono bình thường, thấp hay cao.
Phương pháp điều trị khi gặp các loại bệnh về bạch cầu mono
Tùy theo chẩn đoán về tình trạng bệnh, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý có liên quan đến bạch cầu mono, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị các bệnh lý liên quan gây ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu đơn nhân, đồng thời tư vấn người bệnh thay đổi chế độ ăn uống.
Bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị tốt nhất để điều chỉnh số lượng bạch cầu đơn nhân nhằm đảm bảo sức khỏe. Điều quan trọng là người bệnh cần thăm khám sớm cũng như lựa chọn các bệnh viện uy tín trong điều trị các bệnh lý huyết học.
Đơn vị Huyết học lâm sàng, Khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị uy tín chuyên khám, tư vấn điều trị các bệnh lý huyết học. Bệnh viện đầu tư nhiều trang thiết bị, máy xét nghiệm cao cấp về gen và sinh học phân tử, hỗ trợ việc chẩn đoán nhanh và chính xác.
Song song đó, Đơn vị Huyết học lâm sàng Bệnh viện Tâm Anh còn quy tụ bác sĩ được đào tạo sâu về lĩnh vực huyết học cũng như ứng dụng các công nghệ chẩn đoán và phác đồ điều trị mới, đảm bảo điều trị hiệu quả, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí.
Làm sao để giữ bạch cầu mono ổn định, khỏe mạnh?
Bạch cầu mono giữ những chức năng và vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là hệ thống miễn dịch. Do đó, việc giữ cho các tế bào bạch cầu này luôn khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết.
Để giữ cho các tế bào bạch cầu mono được sản xuất liên tục và luôn trong trạng thái khỏe mạnh, bạn nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, hạn chế các thực phẩm gây viêm như thịt đỏ, carbohydrate tinh chế và thực phẩm chiên. Tránh hút thuốc hay uống nhiều rượu bia, sử dụng chất kích thích,
Ngoài ra, nên ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi thường xuyên, chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe để ngăn ngừa nhiễm trùng (rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh,…) cũng như thăm khám sức khỏe định kỳ.
Nhìn chung, bạch cầu mono là một dạng bạch cầu có nguồn gốc từ tủy xương, có chức năng điều chỉnh cân bằng nội môi tế bào và chống nhiễm trùng. Việc có lối sống khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giữ cho bạch cầu mono luôn trong trạng thái ổn định.