Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Marketing - Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu trước bối cảnh chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành sữa nói riêng tại tọa đàm "Xu hướng 'xanh hoá' trong xây dựng thương hiệu: Cơ hội và thách thức" do Báo Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Thưa ông, Mộc Châu Milk vinh dự là một trong 190 doanh nghiệp đã đạt thương hiệu quốc gia năm 2024, ông có thể chia sẻ về quá trình Mộc Châu Milk xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như doanh nghiệp đã triển khai những giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa trong chuỗi cung ứng?
Chúng tôi rất vinh dự là một trong những doanh nghiệp đã đạt được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Sự công nhận này khẳng định cam kết của Mộc Châu Milk trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam và nâng cao đời sống cộng đồng.
Mộc Châu Milk được thành lập từ một nông trường quốc doanh từ năm 1958. Trải qua 66 năm hình thành và phát triển, Mộc Châu Milk đã gắn bó với người dân địa phương, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và góp phần đưa thương hiệu sữa Mộc Châu trở nên thân thuộc với người tiêu dùng cả nước. Nguyên liệu dồi dào, trang trại hiện đại, liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với người nuôi bò... giúp thương hiệu sữa Mộc Châu đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chúng tôi cũng tự hào là trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa với bề dày lịch sử. Và trong mục tiêu kinh doanh, thứ nhất, Mộc Châu Milk luôn hướng đến và xác định gắn bó với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Theo đó, trong quá trình chăn nuôi, chúng tôi sẽ luôn sử dụng những nguồn thức ăn từ thiên nhiên mà không sử dụng chất bảo vệ thực vật.
Thứ hai, vấn đề về xử lý rác thải nông nghiệp, cũng được Mộc Châu Milk rất chú trọng. Chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp nhằm tận dụng những nguồn rác thải nông nghiệp để quay trở lại cải tạo thổ nhưỡng. Và cho đến nay, Mộc Châu được xác định là một trong những nơi có chất đất rất tốt để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.
Một điểm nữa mà chúng tôi luôn nỗ lực trong quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu theo hướng xanh, đó là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và giảm tối đa lãng phí về nguyên vật liệu. Ngoài ra, hiện chúng tôi đang tìm cách để có được nguồn nguyên vật liệu mới thay thế nhằm xử lý hiệu quả hơn chất thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Như ông chia sẻ thì nông nghiệp gắn bó với thiên nhiên và tôn trọng thiên nhiên là mục tiêu mà Mộc Châu Milk hướng đến? Vậy, ông đánh giá như thế nào về cơ hội từ việc xanh hoá trong sản xuất sản phẩm đến việc tìm kiếm và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp nói chung và Mộc Châu Milk nói riêng?
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh đang bắt đầu theo nhịp của thế giới và đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn. Nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu Netzero mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp để sản xuất xanh (nhà máy, trang trại đạt chứng nhận Netzero, trồng cây xanh, năng lượng tái tạo…) và tiêu dùng xanh hướng tới cộng đồng.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, và Mộc Châu Milk nói riêng, việc xanh hoá trong sản xuất sẽ tạo cơ hội đột phá cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp cận, quảng bá và tìm kiếm những thị trường tiềm năng. Bởi nhiều thị trường xuất khẩu sữa của Việt Nam đã và đang đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Do đó, theo tôi, nếu không "đuổi kịp" các giải pháp phát triển xanh và tuần hoàn, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội lớn phát triển.
Với Mộc Châu Milk, chúng tôi tập trung vào việc không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm của mình mà còn thay thế những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, nỗ lực tạo ra những sản phẩm ngày càng xanh hơn, phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng hiện đại.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành sữa và thời gian tới,doanh nghiệp sẽ triển khai giải pháp gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng?
Theo tôi nhận định, tiềm năng phát triển ngành sữa Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp chỉ đạt 26 - 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 - 100 lít/người/năm.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em Việt Nam còn cao, tỷ lệ thiếu vi chất vẫn phổ biến. Với đặc tính dễ hấp thu, cân đối về thành phần dinh dưỡng, phù hợp với mọi lứa tuổi và thể trạng, sữa và sản phẩm sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, bổ sung năng lượng. Do đó, tiêu thụ sữa dự báo tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Những năm gần đây, để hướng tới nền kinh tế xanh, Mộc Châu Milk đã có các kế hoạch để ngày càng nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đang triển khai dự án về đầu tư và nâng cấp mở rộng quy mô của nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến theo các tiêu chuẩn của châu Âu.
Thứ hai, chúng tôi cũng mở rộng quy mô vùng nguyên liệu và đặc biệt mở rộng chuỗi liên kết với những người nông dân như có những buổi đào tạo cho nông dân về sản xuất xanh. Bên cạnh đó, Mộc Châu Milk cũng đang tập trung tạo ra những khu trang trại tập trung, kết hợp chăn nuôi bò sữa với phát triển du lịch.
Mô hình về chăn nuôi cũng đang được công ty lên kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó chúng tôi luôn hướng đến xây dựng thương hiệu bền vững và hội nhập quốc tế.
Chúng tôi cũng hướng tới tầm nhìn là biến Mộc Châu trở thành một thủ phủ về chăn nuôi. Đồng thời, phát triển những sản phẩm mới, những sản phẩm chất lượng cao và có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên. Điều này giúp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn cả trong thị trường trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.