Mở thông dạ dày ra da qua nội soi đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh, an toàn, ít gây biến chứng. Để hạn chế xuất hiện rủi ro, bệnh nhân nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện mở thông dạ dày ra da qua nội soi.
Thủ thuật mở thông dạ dày qua nội soi (PEG) là gì?
Mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG: Percutaneous Endoscopic Gastrostomy) là thủ thuật nội soi can thiệp nhằm nuôi ăn và cung cấp dinh dưỡng dài lâu cho người bệnh mất khả năng nuốt. Việc nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa thường được chọn lựa vì phù hợp với chức năng sinh lý đường tiêu hóa, giá thành thấp và nguy cơ thấp hơn so với nuôi dưỡng bằng đường ngoại vị. Nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa giúp mau lành vết thương, giảm tình trạng nhiễm trùng và giảm thời gian nằm viện. Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ đưa ống thông dạ dày qua thành bụng để vào dạ dày của người bệnh mà không cần phẫu thuật.(1)
Chỉ định và chống chỉ định
1. Chỉ định mở thông dạ dày qua nội soi
Bác sĩ thường thực hiện mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng cho người bệnh không ăn được bằng đường miệng, cần nuôi ăn qua sonde trên 4 tuần. Các trường hợp được chỉ định PEG gồm:
- PEG hỗ trợ nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày nhằm nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bệnh nhân không có khả năng ăn qua đường miệng vì bị u vùng miệng, cổ, họng, ngực, thực quản; gây chèn ép khiến người bệnh không nuốt được.
- Chỉ định nuôi dưỡng đối với người bệnh dinh dưỡng kém do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương đầu-mặt-cổ, người lớn tuổi có rối loạn tâm thần, người bệnh chán ăn suy dinh dưỡng nặng…
- Chỉ định nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa lâu dài cho các trường hợp ung thư thực quản, miệng, hầu, họng… gây chèn ép khiến người bệnh không thể nuốt (nhưng ống soi vẫn qua được xuống tới dạ dày) hoặc tắc nghẽn cơ học ở đường tiêu hóa trên.
- Chỉ định nuôi dưỡng tạm thời: Người bệnh hẹp thực quản do bỏng, viêm do xạ trị và sau khi trải qua phẫu thuật lớn ở bụng cần nuôi dưỡng bổ sung.
- Người bệnh Crohn ở thể nặng, bỏng rộng, hóa trị hay xạ trị.
- Rò thực quản, viêm phổi, đặt sonde mũi dạ dày lâu ngày gây loét.
Mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng còn được chỉ định thực hiện nhằm giải áp trong những trường hợp:
- Hội chứng giả tắc ruột
- Liệt dạ dày do đái tháo đường
- Bệnh thần kinh cơ
2. Chống chỉ định
Tất cả các trường hợp thành trước dạ dày không áp sát vào thành bụng, cụ thể các tình huống sau:(2)
+ Báng: mức độ vừa và nặng + Béo phì + Gan lớn, đặc biệt là gan trái, lách to + Bệnh nhân đã cắt dạ dày
- U thực quản, hạ họng: chống chỉ định khi ống soi không qua được và không tiến hành nong được qua nội soi
- Các bệnh lý thâm nhiễm dạ dày, giãn tĩnh mạch dạ dày
- Tắc ruột (trừ trường hợp mở dạ dày ra da để giải áp)
- Rối loạn đông máu không điều chỉnh được
- Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, bệnh lý dạ dày tăng áp cửa
Quy trình mở thông dạ dày qua nội soi
1. Chuẩn bị
- Người thực hiện gồm bác sĩ Nội soi, bác sĩ gây mê hồi sức, điều dưỡng.
- Phương tiện kỹ thuật gồm dàn máy nội soi và dây soi, bộ kit mở thông dạ dày ra da qua nội soi.
- Bệnh nhân: Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về mục đích, quy trình thực hiện và tai biến có thể xảy ra khi thực hiện mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng. Sau khi đồng ý thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành những xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, trước khi thực hiện PEG, bệnh nhân cần nhịn ăn tối thiểu 6 giờ; vệ sinh răng miệng; dùng kháng sinh dự phòng; ký biên bản cam đoan đồng ý thực hiện mở thông dạ dày ra da qua nội soi.
- Hồ sơ bệnh án: cần được chuẩn bị và hoàn thiện đúng theo yêu cầu.
2. Thực hiện
Quy trình thực hiện mở thông dạ dày ra da qua nội soi gồm:
- Thủ thuật mở dạ dày ra da được tiến hành với một êkíp gồm 2 bác sĩ và 1 điều dưỡng phụ dụng cụ. Toàn bộ quá trình thủ thuật được thực hiện theo nguyên tắc vô khuẩn. Bệnh nhân nằm nghiêng trái hoặc nằm ngửa, đưa ống soi vào thân vị, kiểm tra thành trước thân vị.
- Tìm điểm mở thông dạ dày bằng cách xác định dấu ấn ngón tay vào thành trước dạ dày và hình ảnh đèn soi chiếu sáng xuyên thành trên thành bụng.
- Sát khuẩn thành bụng, gây tê da tại chỗ, rạch da khoảng 1cm, dùng trocar xuyên da tại vết mổ vào thành dạ dày.
- Rút nòng sắt, luồn guidewire và guidewire được bắt bằng thòng lọng trong lòng dạ dày. Guidewire được kéo ra ngoài miệng theo ống nội soi.
- Gắn guidewire với ống nuôi ăn, sau đó ống nuôi ăn được kéo vào miệng, xuống thực quản vào dạ dày và ra ngoài theo vết mổ thành bụng.
- Cố định ống nuôi ăn, vệ sinh vết mổ và băng vết mổ.
Toàn bộ quy trình mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng sẽ được kiểm soát trực tiếp dưới nội soi. Thủ thuật diễn ra khoảng 10 - 15 phút. Người bệnh sẽ được theo dõi, có thể dùng ống thông ngay sau đó.
3. Theo dõi sau phẫu thuật
- Theo dõi các biến chứng sau thủ thuật
- Bắt đầu nuôi ăn 8-24 giờ sau thủ thuật. Số lượng dịch nuôi ăn bắt đầu với 40ml/4h, sau đó tăng dần 25ml/ mỗi 12h để đạt 250ml/4h
- Thay băng, rửa vết thương hằng ngày.
- Ống nuôi ăn có thể sử dụng từ 6-12 tháng, nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn thì thay ống nuôi ăn mới.
Ưu và nhược điểm
1. Ưu điểm mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng
Những ưu điểm nổi bật của phương pháp mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng:
- Phương pháp đơn giản, an toàn, ít xuất hiện biến chứng
- Bác sĩ có thể thực hiện PEG ngay tại giường bệnh hay ở phòng nội soi
- Bộ dụng cụ thực hiện đơn giản, chi phí hợp lý
- Thời gian nằm viện ngắn hơn so với phẫu thuật
- Giảm thiểu can thiệp xâm lấn ngoại khoa
- Giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng
2. Rủi ro và biến chứng
Mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng là thủ thuật đơn giản, an toàn. Tuy nhiên, một số rất ít người bệnh có thể xuất hiện các rủi ro như:
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng vết mổ, thành bụng, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết. Do đó tất cả bệnh nhân cần phải cho kháng sinh dự phòng trước thủ thuật, đảm bảo quy tắc vô khuẩn trong quá trình thực hiện thủ thuật.
- Chảy máu: cần kiểm tra đánh giá nội soi sau khi đặt ống, điều chỉnh các rối loạn đông máu trước thủ thuật.
- Di lệch ống hoặc tuột ống ra ngoài nuôi ăn: thường do kéo căng quá mức hoặc bệnh nhân kéo ống.
- Viêm phổi hít: do bơm quá nhiều trong mỗi lần, hoặc do hiện tượng không dung nạp ống nuôi ăn. Xử trí bằng cách giảm lượng dịch bơm nuôi ăn cho mỗi lần bơm, nằm đầu cao khi bơm qua ống cho đến 1 giờ sau bơm thức ăn. Nếu các biện pháp trên thất bại thì tiến hành PEG-J.
Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện PEG.
Các câu hỏi thường gặp
1. Có thể ăn uống bình thường sau khi mở thông dạ dày không?
Sau khi đặt ống thông, hầu hết mọi người có thể dùng được các thức ăn dạng lỏng thông qua ống. Một số người bệnh vẫn có thể ăn và uống một lượng nhỏ thức ăn qua đường miệng.
2. Ống thông sử dụng được bao lâu?
Ống nuôi ăn có thể sử dụng từ 6-12 tháng, nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn thì thay ống nuôi ăn mới. Chúng có thể bị tắc hoặc mòn theo thời gian. Vì thế, người bệnh nên duy trì lịch tái khám theo chỉ định từ bác sĩ để có hướng trí sớm khi cần.(3)
Nếu cần ống thông mới, bác sĩ có thể dễ dàng thay ống thông mà không cần phẫu thuật xâm lấn hoặc gây mê. Nếu bác sĩ nhận thấy người bệnh không cần ống nữa, thì có thể tiến hành tháo ống thông. Lỗ mở trong dạ dày sẽ tự đóng lại.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.
Nơi đây quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Nội khoa và Ngoại khoa Tiêu hóa - Gan Mật Tụy - Hậu môn trực tràng chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, các phương pháp ngoại khoa tiên tiến được áp dụng trong các lĩnh vực Nội soi và Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, không để lại sẹo bởi các tuổi hàng đầu như TS.BS Đỗ Minh Hùng, TTƯT.TS.BS Phạm Hữu Tùng, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, TS.BS Trần Thanh Bình, ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân, BS.CKII Hồ Thị Bích Thủy, BS.CKI Đặng Lê Bích Ngọc; điều trị Gan Mật Tụy kỹ thuật hiện đại với TS.BS Phạm Công Khánh, BS.CKII Võ Ngọc Bích; thăm khám và tư vấn bệnh lý nội tiêu hóa với ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, BS.CKI Huỳnh Văn Trung, BS.CKI Hoàng Đình Thành, ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích, ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long; phẫu thuật trong điều trị các bệnh lý hậu môn trực tràng như ThS.BS Nguyễn Văn Hậu, ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm, ThS.BS Nguyễn Thanh Biên…
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp cũng dẫn đầu với các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật nội soi ổ bụng với các tên tuổi chuyên gia như TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, ThS.BS Lê Văn Lượng… Các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội soi tiêu hóa tiêu biểu như TS.BS Vũ Trường Khanh, BSNT Đào Trần Tiến, BSNT Hoàng Nam, BS.CKII Bùi Quang Thạch… Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh. Thời gian thực hiện PEG ngắn (10 - 15 phút). Thủ thuật an toàn, ít xâm lấn, ít xuất hiện biến chứng. Khi có chỉ định điều trị bằng phương pháp mở thông dạ dày ra da qua nội soi, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.