Gần đây, tôi nhận được một vài email và tin nhắn của các bạn trẻ đang loay hoay chọn ngành để đi du học ở bậc đại học và thạc sỹ. Các bạn muốn hiểu hơn về bản chất của ngành khoa học chính trị và những cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ở Mỹ.
Trong bài viết tuần này, xin chia sẻ với bạn những thông tin cơ bản về ngành khoa học chính trị.
Khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành chính của tôi là chính trị học so sánh (Comparative Politics) và phương pháp luận chính trị (Political Methodology). Hiện tại, tôi đang nghiên cứu và giảng dạy chính trị học so sánh tại một khoa khoa học chính trị của một trường Đại học ở Mỹ. Với tư cách là người học và người giảng dạy, tôi hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về ngành khoa học chính trị một cách toàn diện và từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Political Science - Khoa học chính trị- cũng như những ngành khoa học xã hội khác như xã hội học (sociology), tâm lý học (psychology), nhân học (anthropology) nghiên cứu và giải thích hành vi con người. Cụ thể, khoa học chính trị tập trung vào nghiên cứu hành vi chính trị (political behavior), thể chế chính trị (political insitutions), và mối quan hệ quyền lực.
Đối với riêng tôi, khoa học chính trị thật sự rất hấp dẫn và thú vị!
Đây là ngành học về con người.
Chính trị hiện hữu ở khắp nơi và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ngay cả khi ta không nhận thức được điều đó.
Gần như mọi hoạt động trong ngày của ta đều ít nhiều liên quan đến nhà nước và chính trị.
Nếu có một vụ cướp xảy ra, ta sẽ báo cảnh sát; nếu có một vụ hỏa hoạn xảy ra, ta sẽ gọi lính cứu hỏa; khi đi làm giấy khai sinh cho con, ta phải làm việc với nhân viên hành chính nhà nước; nếu một nước khác có hành động đe doạ lãnh thổ nước ta, quân đội sẽ được điều động. Cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên hành chính nhà nước, quân đội, vân vân, là một phần của nhà nước và thể chế chính trị.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng ngồi uống cà phê với bạn bè và trò chuyện về học phí đại học, giá thành sách giáo khoa, chọn trường cho con, giá nhà, giá thực phẩm. Đây đều là những chủ đề liên quan đến những quyết định chính trị được các chính trị gia đưa ra.
Ngay cả những sự việc/hiện tượng tưởng chừng phi chính trị như tình yêu, nếu bạn suy nghĩ kỹ về nó, bạn sẽ thấy có bóng dáng chính trị. Ví dụ, trong một mối quan hệ lãng mạn, người chồng có những hành động bạo lực, nhưng người vợ không dám chia tay vì sợ những lời đám tiếu của xã hội. Khái niệm quyền lực cho ta thấy, cán cân quyền lực đang nghiêng về phía nam giới, từ đó ta có thể suy ra được nhiều điều về xã hội.
Chính trị là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của ta. Vì vậy, học khoa học chính trị sẽ giúp ta hiểu hơn về cuộc sống của chính mình.
Tại các trường Đại học ở Mỹ, khoa học chính trị bao gồm 5 phân ngành chính:
- Chính trị học so sánh (comparative politics)
Như tên gọi, chính trị học so sánh sử dụng các phương pháp so sánh (comparative method) để phân tích nhiều trường hợp điển hình (case studies). Các nghiên cứu thuộc chuyên ngành chính trị học so sánh tập trung trả lời các câu hỏi “tại sao” như:
Tại sao nhà nước hiện đại ra đời và phát triển?
Tại sao nhiều quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phát triển, nhiều quốc gia khác lại không?
Tại sao nhiều quốc gia trên thế giới có chế độ dân chủ nhiều quốc gia khác lại là độc tài?
Tại sao cách mạng xã hội (social revolutions) lại xảy ra? (như ở Pháp, Việt Nam, Trung Quốc, vân vân)
Tại sao một vài cuộc cách mạng xã hội thành công và một vài cuộc cách mạng khác lại không?
Tai các trường đại học ở Mỹ, các khóa học liên quan đến chính trị học so sánh có thể bao gồm cách mạng xã hội (social revolution), phong trào xã hội (social movements), thể chế chính trị (political institution), vân vân. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể học các khóa về chính trị của một khu vực hoặc một quốc gia cụ thể, như chính trị Trung Quốc, chính trị Đông Á, chính trị Đông Nam á, chính trị Trung Đông, vân vân.
2. Quan hệ quốc tế (international relations)
Phân ngành quan hệ quốc tế tập trung giải thích tại sao các quốc gia và các chủ thể quốc tế phi nhà nước, như Liên Hợp Quốc và các tập đoàn đa quốc gia, lại tương tác với nhau như ta thấy trên thế giới.
Xung đột quốc tế, đặc biệt là chiến tranh, tiếp tục là trọng tâm nghiên cứu của chuyên ngành này.
Chuyên ngành quan hệ quốc tế tập trung trả lời các câu hỏi lớn như:
Vì sao các quốc gia có chiến tranh với nhau?
Tại sao chiến tranh bắt đầu?
Ai thắng và tại sao?
Làm thế nào chiến tranh có thể được ngăn chặn?
Vai trò của luật pháp và các tổ chức quốc tế là gì?
Vì sao các quốc gia hợp tác dưới tình trạng vô chính phủ?
Khi chọn học quan hệ quốc tế, bạn có cơ hội học các khóa học như toàn cầu hóa, quyền lực cứng, quyền lực mềm, chiến tranh, chính sách đối ngoại của một quốc gia cụ thể, vân vân.
3. Triết học chính trị (political theory/political philosophy)
Sinh viên có cơ hội học về những nhà tư tưởng lớn trong suốt lịch sử loài người, những người đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mang đầy tính triết lý như bản chất của quyền lực, bản chất của con người. Các khóa học cũng sẽ thảo luận những chủ đề như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa hồi giáo, nữ quyền, vân vân.
4. Chính trị Mỹ (American politics)
Như tên gọi, phân ngành American politics tập trung nghiên cứu chính trị Mỹ. Các khóa học liên quan đến chính trị Mỹ bao gồm tổng thống Hoa Kỳ, Quốc hội Hoa Kỳ và tòa án, vai trò chính trị của truyền thông đại chúng, chính trị chủng tộc và sắc tộc, luật hiến pháp, tư tưởng chính trị Mỹ, vân vân.
5. Phương pháp luận chính trị (political methodology)
Phân ngành phương pháp luận chính trị tập trung vào các cơ sở triết học của khoa học chính trị, khoa học xã hội, phân tích và thiết kế nghiên cứu thực nghiệm.
Một số khóa học thuộc phân ngành phương pháp luận chính trị bao gồm phương pháp nghiên cứu định lượng, thiết kế nghiên cứu thực nghiệm, suy luận nhân quả, vân vân.
Sinh viên chia sẻ với tôi rằng, khi biết các em theo học chuyên ngành khoa học chính trị, nhiều người ngay lập tức đặt câu hỏi: “Thế bạn ủng hộ đảng nào?”, “Khi nào bạn sẽ ra tranh cử?”, vân vân. Mặc dù nhiều nhà khoa học chính trị đã từng ra tranh cử hoặc tư vấn cho chính quyền, đây không phải là mối quan tâm của khoa học chính trị hiện đại.
Khoa học chính trị sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu các hiện tượng chính trị và các hành vi chính trị. Cũng như các nhà khoa học khác (như nhà vật lý, nhà sinh học, vân vân), các nhà khoa học chính trị quan sát thế giới và đặt ra những câu hỏi về sự vận hành của thế giới.
Ví dụ, các nhà khoa học chính trị quan sát thấy rằng nhiều quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phát triển, nhiều quốc gia khác lại nghèo. Họ đặt ra câu hỏi, tại sao có quốc gia giàu và có quốc gia nghèo? Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, cũng như nhà vật lý, họ phát triển và kiểm định lý thuyết (develop and test theories).
Lý thuyết được hiểu đơn giản là sự phỏng đoán sơ bộ về nguyên nhân của một hiện tượng mà bạn quan tâm. Ví dụ, với câu trả lời trên, nhiều nhà khoa học phát triển lý thuyết về sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân đối với sự phát triển kinh tế của các nước thuộc địa.
Sau khi đã phát triển lý thuyết, cũng như mọi nhà khoa học khác, các nhà khoa học chính trị sẽ dấn thân vào việc kiểm định lý thuyết. Bước đầu tiên trong việc kiểm định lý thuyết là xây dựng các giả thiết cụ thể từ lý thuyết.
Sau khi đã có các giả thiết cụ thể, họ sẽ đi thu thập bằng chứng và kiểm định giả thiết (hypothesis testing). Hypothesis Testing là quá trình đánh giá tính hợp lệ (đúng/sai) của một giả định bằng cách đánh giá dữ liệu mẫu (sample) từ đó đưa ra kết luận cho toàn bộ tập dữ liệu (population).
Bằng chứng có thể là số liệu định tính hoặc định lượng.
Lưu ý rằng ngay cả khi số liệu bạn thu thập ủng hộ lý thuyết và giả thiết bạn đưa ra, lý thuyết sẽ không đúng trong mọi trường hợp.
Hãy lấy một ví dụ vui thế này. Giả sử, bạn phỏng vấn 100 người để chứng minh lý thuyết của bạn về mối quan hệ giữa nuôi mèo và hạnh phúc. Bạn lập luận rằng, người nuôi mèo thường hạnh phúc và hay cười hơn người không nuôi mèo. Trong số liệu thu thập được, bạn nhận thấy rằng, có một người nuôi mèo rất hay ủ rũ. Điều này không có nghĩa là lý thuyết của bạn sai.
Lý do là không giống như các hiện tượng tự nhiên, các hiện tượng xã hội và hành vi con người rất phức. Con người không phải là những chú rô bốt có hành vi luôn tuân theo một định luật nào đó.
Trong khoa học xã hội nói chung và khoa học chính trị nói riêng, mối quan hệ giữa hai hiện tượng (ví dụ nuôi mèo và hạnh phúc) là mối quan hệ xác xuất (probabilistic relationship) chứ không phải mối quan hệ khẳng định (deterministic relationship).
Trở lại ví dụ về mèo, bằng ngôn ngữ xác xuất, ta có thể nói là, người nuôi mèo có nhiều khả năng là sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn người không nuôi mèo. Ta không thể nói, người nuôi mèo chắc chắn 100% là sẽ hạnh phúc hơn người không nuôi mèo.
Với bằng đại học về khoa học chính trị, tại Mỹ, bạn có thể làm việc cho các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về ngành khoa học chính trị tại Mỹ. Nếu có thêm bất cứ câu hỏi nào, bạn hãy để lại ở phần comment nhé.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog!
Trương Thanh Mai