Tràn dịch khớp gối là nguyên nhân gây khó khăn khi vận động đồng thời có nguy cơ phá hủy các khớp. Bệnh nhân nên sớm đi khám với các bác sĩ Cơ Xương Khớp khi thấy khớp gối sưng to hơn bình thường để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp tránh các biến chứng không đáng có.
Ai có nguy cơ bị tràn dịch khớp gối?
Tràn dịch khớp gối là biểu hiện của nhiều nhóm bệnh khác nhau, được biểu hiện ra bên ngoài là dấu hiệu khớp gối bị phù nề, sưng to, giảm chức năng vận động, đau khi vận động…
Những nhóm đối tượng có nguy cơ tràn dịch khớp gối bao gồm:
- Bệnh thường gặp nhiều hơn ở lứa tuổi trên 55, rất có thể sự thoái hóa theo quá trình tự nhiên của khớp là yếu tố tác động đến bệnh lý này.
- Những người tham gia nhiều vào các hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương nhiều hơn, đặc biệt là những môn thể thao liên quan đến các chuyển động đột ngột của khớp như bóng đá, bóng rổ...
- Thừa cân - béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch khớp gối.
- Tình trạng chấn thương cũng hay gặp trong tràn dịch khớp gối, chấn thương các cấu trúc giải phẫu có thể gây đau và gây tràn dịch khớp gối.
- Các bệnh nhân mắc các bệnh lý về khớp như thoái hóa khớp, nhiễm khuẩn khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch khớp, nang bao hoạt dịch khớp,… cũng có thể gây hậu quả xấu là tràn dịch khớp gối.
Triệu chứng tràn dịch khớp gối và các dấu hiệu kèm theo:
Tràn dịch khớp gối là tình trạng lượng dịch trong khớp gối nhiều hơn bình thường, có thể phát hiện dễ dàng trên lâm sàng. Ngoài tràn dịch còn có dấu hiệu khác đi kèm bao gồm:
- Hạn chế vận động khớp: Khớp gối của bạn sẽ bị hạn chế vận động do lượng dịch trong khớp cản trở vận động khớp.
- Đau: Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp mà có thể sẽ có triệu chứng đau khớp, đôi khi do đau mà bệnh nhân không thể đi lại được.
- Nóng đỏ khớp: Vùng da quanh khớp gối đỏ lên và ấm hơn bình thường.
Nếu không được điều trị, dịch trong khớp gối sẽ làm hạn chế vận động khớp, việc chọc hút dịch khớp nhiều lần làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và nếu có nhiễm khuẩn thì sẽ phá huỷ khớp và có thể gây nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.
Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?
Tùy theo nguyên nhân, tình trạng tràn dịch khớp gối sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu tràn dịch khớp nặng không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ có thể dẫn đến nguy cơ hạn chế vĩnh viễn chức năng khớp và làm mất xương dưới sụn. Sự xâm nhập của vi khuẩn có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho sụn khớp. Tình trạng nhiễm trùng cục bộ không được điều trị sẽ lan đến các khu vực khác, thậm chí gây nhiễm trùng máu.
Tràn dịch khớp gối ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm mà không gây nhiều biến chứng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh chủ quan để đến khi nặng, thậm chí gặp biến chứng mới tới gặp bác sĩ.
thấy khớp gối bất thường như gối trở nên tấy đỏ và nóng khi so sánh với khớp gối bên đối diện cũng cần nhập viện để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối
Để điều trị hiệu quả bệnh tràn dịch khớp gối cần xác định rõ nguyên nhân do tác nhân vật lý hay tác nhân bệnh lý. Người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ xương khớp làm các xét nghiệm, như:
- Xét nghiệm máu để giúp xác định tình trạng viêm nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout...
- Chụp Xquang để biết được các tổn thương như trật khớp, gãy xương, thoái hóa khớp, u xương...
- Hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để biết được các tổn thương xương và phần mềm của khớp.
Tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân tràn dịch khớp gối và điều trị thích hợp. Thông thường, điều trị nội khoa được ưu tiên hơn nếu tình trạng bệnh không quá nặng.
1. Điều trị nội khoa
Trong trường hợp bệnh đang ở giai đoạn sớm, biện pháp nội khoa được ưu tiên hàng đầu, đó là sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau không steroid, khi triệu chứng đau quá mức chịu đựng của bệnh nhân.
Bác sĩ có chỉ định dùng kháng sinh khi có nguy cơ hoặc đang bị nhiễm khuẩn. Các thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng đường miệng hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Tuy nhiên, corticoid có một số tác dụng phụ, vì vậy phải được kê đơn và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
2. Điều trị ngoại khoa
Nếu tình trạng tràn dịch nghiêm trọng, cần phải điều trị phẫu thuật khớp và các can thiệp xâm lấn như:
- Chọc hút dịch khớp: Chọc hút dịch khớp nhằm giảm áp lực, đồng thời có thể kết hợp điều trị tiêm corticoid.
- Nội soi khớp: Nội soi khớp có giá trị chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp và có thể kết hợp điều trị như sửa chữa các thương tổn sụn, dây chằng hay tổn thương thoái hóa khớp.
- Trong trường hợp tổn thương thoái hóa khớp gối nặng thì cần phải thay khớp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị.
3. Vật lý trị liệu
Đây là một trong những cách thức điều trị cho bệnh nhân tràn dịch khớp gối bị hạn chế vận động lâu ngày. Mục đích của điều trị vật lý trị liệu là tăng cường hệ cơ và cải thiện khả năng vận động vùng khớp gối. Biện pháp này ít tác dụng với tràn dịch khớp gối, trừ khi tràn dịch khớp gối do tắc mạch bạch huyết.Biện pháp này ít tác dụng với tràn dịch khớp gối, trừ khi tràn dịch khớp gối do tắc mạch bạch huyết.
Điều trị bao lâu thì khỏi bệnh?
Khó có thể nói trước khoảng thời gian nhất định để điều trị tràn dịch khớp gối khỏi hoàn toàn.Thời gian điều trị tràn dịch khớp dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, thể trạng, cách chăm sóc...
- Tình trạng bệnh: tràn dịch đang ở mức độ nào, cường độ các cơn đau ra sao, thời gian mắc bệnh bao lâu…
- Thể trạng của bệnh nhân: người bệnh tiền sử có bệnh bẩm sinh hay không, có dị ứng thuốc không, có mắc bệnh di truyền hay không,…
- Cách thức điều trị mà bác sĩ chỉ định cho người bệnh: điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, điều trị bằng sóng cao tần,…
Các trường hợp tràn dịch khớp gối thông thường sẽ được điều trị từ vài tuần đến vài tháng. Nếu người bệnh bị tràn dịch khớp do viêm khớp gối, tình trạng này có thể kéo dài suốt đời.
Để có thể khỏi bệnh tràn dịch khớp gối một cách nhanh nhất thì người bệnh cần sớm đi khám và điều trị, chớ nên để bệnh trở nặng sẽ nguy hiểm do biến chứng và lâu hồi phục hơn.
Mẹo chữa tràn dịch khớp gối
Khi bị đau do tràn dịch khớp gối hoặc nghi ngờ mắc chứng bệnh này, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý nhỏ sau đây:
- Hạn chế đi lại, cần nghỉ ngơi, không đi bộ để giảm trọng lượng, áp lực lên chân.
- Khi bị đau dùng đá chườm lên phần khớp gối đau từ 15 - 20 phút, khoảng 2 - 4 tiếng thì chườm 1 lần (chỉ chườm với trường hợp bị chấn thương).
- Kê cao chân hay dùng gối để dưới khớp gối để máu được lưu thông, tuần hoàn tốt, giảm sưng tấy vùng khớp gối.
- Sử dụng thuốc giảm đau nhưng không được lạm dụng chúng.
- Người bệnh nên đi khám bác sĩ Cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác tình trạng và có biện pháp điều trị thích hợp.
Thông qua bài viết trên, BookingCare mong rằng những ai đang nghi ngờ mình bị tràn dịch khớp gối có thể yên tâm phần nào về sự nguy hiểm của bệnh. Bạn càng khám sớm thì bệnh sẽ ít nguy hiểm hơn nếu bạn chủ quan không khám.