Ngoài phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị cũng là một phương pháp điều trị ung thư được nhiều người biết đến và được áp dụng phổ biến hiện nay. Cùng tìm hiểu những thông tin về phương pháp hóa trị ngay sau đây.
Hóa trị là gì?
Hóa trị hay điều trị hóa chất là phương pháp dùng thuốc chứa hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể.
Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư. Thông thường, hóa trị sẽ được kết hợp cùng các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật và xạ trị. Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân được chỉ định hóa trị là phương pháp điều trị duy nhất.
Khi được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác, hóa trị có thể:
- Làm cho khối u nhỏ hơn trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị
- Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc xạ trị
- Giúp các phương pháp điều trị khác hoạt động tốt hơn
- Tiêu diệt các tế bào ung thư tái phát hoặc ung thư di căn
Mục tiêu của hóa trị?
Điều trị triệt căn
Hóa trị có thể là phương pháp điều trị với mục đích điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng có thể “chữa khỏi ung thư”. Thường phải mất nhiều năm mới biết được liệu bệnh ung thư của một người có thực sự được chữa khỏi hay không.
Kiểm soát
Nếu không thể chữa khỏi hoàn toàn, ung thư có thể được quản lý, kiểm soát như một bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, bệnh thận,...).
Thuốc hóa trị sẽ ức chế sự tăng sinh tế bào của khối u, thu nhỏ khối u, do đó tránh được sự xâm lấn và di căn, ngăn chặn ung thư phát triển và lan rộng.
Giảm nhẹ
Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, các tế bào ung thư có thể đã lan rộng ra nhiều vị trí, bộ phận khác nhau của cơ thể và không thể kiểm soát được. Khi đó, hóa trị có thể được sử dụng với mục đích giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư gây ra, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Hóa trị sẽ giúp thu nhỏ khối u, người bệnh sẽ bớt đau đớn và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Cách thực hiện hóa trị
Điều trị hóa trị có thể qua đường uống hoặc đường tiêm truyền.
Với đường uống, bệnh nhân có thể được phát hóa chất dạng thuốc viên hoặc thuốc nước để uống tại nhà theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu được chỉ định hóa trị qua đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, bệnh nhân sẽ cần đến bệnh viện để điều trị ngoại trú hoặc nội trú tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh.
Ngoài thuốc hoá chất, bác sĩ cũng có thể cho bạn sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ khác để giảm các tác dụng phụ của hoá trị như: thuốc chống nôn, thuốc chống dị ứng,…
Tác dụng phụ của hóa trị
Tác dụng phụ của hóa trị phản ánh cơ chế hoạt động của nó. Hầu hết các loại thuốc hóa trị đều tác động lên các tế bào phát triển và phân chia nhanh. Ngoài tế bào ung thư, một số tế bào bình thường khác của cơ thể cũng có tính chất này như tế bào ở: tủy xương, đường tiêu hóa, nang lông.
Đó là lý do vì sao bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ khi hóa trị. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp do hóa trị gây ra:
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Dễ bầm tím và chảy máu
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng
- Thiếu máu
- Buồn nôn và nôn mửa
- Thay đổi khẩu vị
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Viêm niêm mạc miệng
- Lở loét lưỡi, họng và đau khi nuốt
- Các vấn đề về thần kinh: đau, tê, ngứa râm ran chân tay
- Da và móng tay khô, sẫm màu
- Các vấn đề về thận, nước tiểu, bàng quang
- Sụt cân
- Giảm sự tập trung
- Thay đổi tâm trạng
- Giảm ham muốn tình dục và chức năng tình dục
- Vấn đề sinh sản
Lưu ý cho bệnh nhân hóa trị
Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp các vấn đề suy giảm miễn dịch và dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng. Vì vậy cần chú ý:
- Vệ sinh tay thường xuyên (khi vừa về nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh,...)
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày (tắm hoặc lau người bằng nước ấm, vệ sinh sạch sẽ sau khi đại tiểu tiện,...)
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối sau khi ăn uống
- Hạn chế đến những nơi tập trung đông người
- Tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh có thể lây truyền như: cảm cúm, sởi, thủy đậu,…
- Mang găng tay và khẩu trang khi làm vườn hay chăm sóc vật nuôi
- Hạn chế làm đứt tay, xước da
- Nếu có vết thương trên da, cần sử dụng dung dịch sát khuẩn để làm sạch vết thương, tránh gây nhiễm trùng
Trong quá trình điều trị, thuốc có thể được đào thải qua nước tiểu, phân, nước mắt, mồ hôi và chất nôn người bệnh và gây kích ứng da hoặc ảnh hưởng không tốt với người tiếp xúc phải.
Do vậy, bệnh nhân hóa trị cần lưu ý:
- Nếu có thể, hãy sử dụng nhà vệ sinh riêng với mọi người trong gia đình
- Đậy nắp và xả bồn cầu hai lần sau khi sử dụng
- Đậy nắp bồn cầu khi bạn không sử dụng để ngăn thú cưng uống nước.
- Luôn rửa tay bằng nước ấm và xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau đó lau khô tay bằng khăn giấy và vứt vào thùng rác
- Nếu nôn vào bồn cầu, hãy lau sạch tất cả các giọt bắn và xả nước hai lần
- Nếu nôn vào chậu, hãy cẩn thận đổ nó vào bồn cầu sau đó xả nước 2 lần và rửa chậu sạch sẽ
Lưu ý với người chăm sóc:
- Nên đeo găng tay nếu cần chạm vào bất kỳ chất bài tiết nào của người bệnh, sau đó rửa tay lại bằng nước ấm và xà phòng
- Giặt quần áo hoặc ga trải giường có dính dịch bài tiết từ cơ thể người bệnh bằng máy giặt (không nên giặt bằng tay). Giặt bằng nước ấm với bột giặt thông thường và không giặt chung với quần áo khác.
- Nếu bệnh nhân sử dụng tã lót, đồ lót hoặc băng vệ sinh dùng một lần, cần gói chúng vào 2 túi nilon trước khi vứt chung với rác thải thông thường
Nhìn chung, hóa trị có thể được sử dụng với mục đích chữa trị, kiểm soát hoặc giảm nhẹ triệu chứng ung thư. Tương tự như các phương pháp điều trị ung thư khác, hóa trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ cho người bệnh. Hãy hỏi bác sĩ điều trị để được tư vấn về cách phòng ngừa hoặc khắc phục các tình trạng này.
Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả về phương pháp hóa trị ung thư.