Tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn là tình trạng xảy ra ở nhiều người hiện nay. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp các vấn đề về dạ dày, bệnh lý trào ngược hay vấn đề liên quan đến gan, mật. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và các cách xử trí khi gặp tình trạng này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Triệu chứng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn
Ngày nay, rất nhiều người gặp một hiện tượng khá mâu thuẫn: Bụng đói nhưng miệng không muốn ăn. Nhiều người chủ quan thường xem đây là một vấn đề nhỏ, một biểu hiện sức khỏe tạm thời mà không cần quan tâm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng, đó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý sức khỏe nguy hiểm. Những người gặp tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn còn có thể đi kèm các triệu chứng sau:
- Không muốn ăn dù bụng cồn cào đói;
- Ăn uống không có cảm giác ngon miệng, dù là với những món ăn yêu thích;
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi;
- Cảm giác buồn ngủ, thiếu ngủ;
- Mất sức sống, tinh thần đi xuống.
Nếu chủ quan đối với vấn đề này có thể khiến ta bỏ qua các tín hiệu cảnh báo từ cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vì thế, cần tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý với tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn để có một sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây ra tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn
Tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tìm hiểu nguyên nhân đó sẽ giúp ta có những biện pháp xử trí kịp thời để giải quyết tình trạng này. Dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng này:
Lạm dụng bia, rượu, chất kích thích
Bia rượu có thể tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa, gây kích thích hoặc tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này có thể làm giảm ham muốn ăn và tạo ra cảm giác buồn nôn. Việc hút thuốc, uống nhiều cafe, uống nhiều rượu bia có thể làm giảm chức năng gan và chức năng tiêu hóa.
Stress và áp lực tâm lý
Cảm xúc tiêu cực như lo lắng, căng thẳng, hay trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sự hứng thú với món ăn. Stress có thể kích thích sản xuất cortisol, một hormone có thể làm giảm sự hứng thú với thức ăn. Ngoài ra, stress có thể khiến người ta bỏ qua việc chăm sóc bản thân và biểu hiện đơn giản là không muốn ăn.
Do thời tiết nóng bức
Thời tiết nóng có thể làm cơ thể khó chịu và làm giảm sự thoải mái khi ăn uống. Sự khó chịu từ nhiệt độ cao có thể làm giảm sự hứng thú khi thưởng thức đồ ăn. Thậm chí, thời tiết nóng bức cũng có thể gây ra stress do tác động của nhiệt độ cao và độ ẩm. Stress có thể làm giảm ham muốn ăn và gây ra tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn.
Tác dụng phụ do sử dụng một số loại thuốc
Tình trạng bụng đói nhưng không muốn ăn có thể là hậu quả của tác dụng phụ của một số loại thuốc. Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, morphine, hay những phương pháp hóa trị trong điều trị các bệnh như ung thư thường đi kèm với cảm giác chán ăn. Các loại thuốc chống trầm cảm thường gây ra ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và cảm xúc, có thể làm giảm ham muốn ăn và tạo ra tình trạng mất cảm giác thèm ăn.
Cơ thể thiếu hụt vitamin, khoáng chất
Sự thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, có thể gây ra tình trạng biếng ăn, chán ăn và khiến cơ thể luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, uể oải.
Mắc một số bệnh lý
Người gặp tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn có thể đang mắc các bệnh lý như:
- Bệnh tuyến giáp: Tuyến giáp đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là sản sinh ra hormone để kiểm soát khả năng trao đổi chất, do đó, nếu có vấn đề liên quan đến tuyến giáp có thể gây ra tình trạng trên.
- Bệnh nấm miệng: Bệnh này gây ra các vết viêm và vết loét trong khoang miệng, làm cho hoạt động nhai và nuốt thức ăn trở nên khó khăn. Sự đau nhức và khó khăn khi ăn uống thường làm mất đi sự hứng thú với thức ăn, ngay cả khi người bệnh có cảm giác đói.
- Bệnh dạ dày, đường ruột: Hội chứng ruột kích thích thường đi kèm với nhiều vấn đề khó chịu không chỉ là mất cảm giác ăn ngon miệng mà còn trải qua các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi,... hay những người mắc trào ngược dạ dày thường có cảm giác bụng đói nhưng đồng thời không muốn ăn do sợ cảm giác khó chịu do bệnh lý này gây ra.
Ngoài các bệnh lý đã đề cập, tình trạng thiếu máu, bệnh tiểu đường, và bệnh Addison (bệnh về tuyến thượng thận) cũng được xác định là nguyên nhân gây ra tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn.
Cách xử lý tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn
Tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn là hiện tượng xảy ra ở nhiều người, tiềm ẩn nhiều tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe. Vì vậy, mọi người cần biết cách xử lý tình trạng này kịp thời:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp: Nguyên nhân của cảm giác chán ăn có thể đến từ việc cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng, vì thế mọi người nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B, E, và khoáng chất như rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt bò, hàu để kích thích vị giác và cải thiện quá trình trao đổi chất. Đồng thời cần hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột để tránh tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
- Nấu các món ăn hấp dẫn: Tăng cường sử dụng gia vị như gừng, tỏi, tía tô, quế để cải thiện vị giác và kích thích hệ tiêu hóa cũng là một biện pháp hiệu quả để giảm tình trạng không muốn ăn
- Tránh uống nước trước khi ăn: Uống nước nhiều là một thói quen tốt, tuy nhiên cần phải bổ sung nước đúng cách, tránh uống nước trước và trong khi ăn để tránh cảm giác đầy bụng.
- Ăn uống cùng nhiều người: Hãy ăn uống cùng gia đình hoặc bạn bè để tạo không khí vui vẻ và kích thích sự hứng thú với thức ăn.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết: Việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như B12, sắt, kẽm từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng có thể giúp cơ thể tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải và cải thiện vị giác.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc: Bạn nên sắp xếp lại công việc để tránh áp lực và căng thẳng, thư giãn đúng cách và dành thời gian để giải trí.
- Tăng cường các hoạt động thể chất: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các hoạt động như bơi lội, chạy bộ, đi bộ, hoặc yoga giúp cải thiện sức khỏe và tăng cảm giác thèm ăn.
Nếu gặp tình trạng bụng đói nhưng miệng không muốn ăn hãy áp dụng những biện pháp trên để cải thiện tình trạng ngay lập tức. Quan trọng hơn hết, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh là chìa khóa để duy trì sức khỏe ổn định, khỏe mạnh.
Xem thêm:
Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị
Nếu ăn không ngon miệng, hãy thử 6 cách sau