3. Vì sao chemistry trở nên phổ biến?
Nghĩa bóng của từ chemistry thường được dùng phổ biến để nói về các cặp đôi trong phim ảnh. Ngày nay, bạn dễ dàng gặp những bài báo có tít đại loại như là “Top 10 movie couples with the best chemistry” (Top 10 cặp đôi có phản ứng hóa học đỉnh nhất màn ảnh). Hai người bạn diễn có “good chemistry” đồng nghĩa với việc họ tương tác tốt với nhau trong vai diễn.
Tương tự từ “hợp” trong tiếng Việt, chemistry được yêu thích bởi một cách ngắn gọn nó lột tả được những cảm xúc mơ hồ mà chúng ta không thể cầm nắm hay cắt nghĩa rõ ràng.
Mỗi người sẽ có một định nghĩa thế nào được gọi là "có chemistry" cho riêng mình. Trong một bài viết trên blog cá nhân, Mark Manson đã mô tả “Khi bạn có chemistry với ai đó, họ lúc nào cũng luẩn quẩn trong đầu bạn, cũng như độc chiếm khoảng thời gian rảnh rỗi mà bạn có. Bạn trò chuyện cùng họ đến sáng mà cảm thấy như mới một giờ trôi qua. Khi điện thoại đổ chuông, bạn hy vọng đó là họ. Bạn sẽ không ngừng tự hỏi họ đang nghĩ gì?".
Chemistry là điều không thể thiếu khi một tình yêu chớm nở. Nhưng để duy trì một mối quan hệ lâu dài, chỉ chemistry thôi thì không đủ. Nếu chỉ có kết nối về cảm xúc mà thiếu đi tương thích (compatibility), tức sự tương đồng về niềm tin cốt lõi, hệ giá trị và những ưu tiên trong cuộc sống, mối quan hệ sẽ sớm trở nên bất ổn. Bởi khi hai người quá khác biệt về quan điểm sống, hành vi của người này dễ trở nên vô lý với người kia.
Từ chemistry thường được dùng để nói về các mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, nếu hiểu chemistry theo cách đơn giản là “hợp nhau”, từ này còn có thể dùng để chỉ những mối quan hệ khác ngoài phạm vi yêu đương như gia đình, thầy trò, đồng nghiệp,...