Bài: Trần Lệ Thủy (với sự tư vấn của ThS.BS Lê Tấn Hùng)
Trán lép hoặc quá lồi lõm khiến nhiều chị em cảm thấy kém tự tin. Nhưng hiện nay với công nghệ thẩm mỹ tiên tiến, đó không còn là vấn đề khó. Người làm đẹp có thể độn trán bằng nhiều phương pháp như: sử dụng bơm mỡ tự thân hoặc vật tạo hình (silicon, gore- tex...) để cấy hay đặt vào trán lõm, trán nhỏ, trán bẹt hay trán bằng phẳng. Phẫu thuật cải thiện hình dạng trán sẽ tạo nên hình dáng tròn đầy dễ thương cho trán.
Có những phương pháp nào?
Hiện nay đang có 2 phương pháp được xem là phổ biến nhất: Phương pháp cấy mỡ tự thân và phương pháp độn silicon.
Với phương pháp cấy mỡ tự thân, bác sĩ thẩm mỹ sẽ sử dụng kỹ thuật hút mỡ thừa từ vùng bụng hoặc đùi, mông để tiêm vào vùng trán cần độn. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp mong muốn sở hữu chiếc trán đầy đặn, tự nhiên. Sau khi thăm khám cho người làm đẹp, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ vũng lấy mỡ (bụng, đùi, mông) và vùng trán. Tiến hành hút mỡ thừa ở vùng bụng, tách ly tâm và tiêm vào từ trán tới phần lông mày, độ rộng tùy tạo hình mong muốn của người làm đẹp, mỡ được cấy qua kim nhỏ nên hạn chế để lại sẹo. Thời gian phẫu thuật theo kỹ thuật này khá nhanh, khoảng từ 30 phút đến 60 phút. Chi phí từ 15 - 25 triệu đồng/ lần. Phương pháp này có ưu điểm khá an toàn, ít đau do chỉ tiêm mà không cần làm phẫu thuật, nó giúp làm đầy đặn phần trán lép một cách tự nhiên vì mỡ sẽ sống sau khi tiêm. Không chỉ làm đầy trán, hình dáng cơ thể cũng được cải thiện nhờ lấy bớt đi lượng mỡ thừa. Tuy nhiên, cái gì cũng có “mặt trái”, đấy là sau khi tiêm mỡ vào trán, lượng mỡ sẽ tiêu khoảng 30%. Vì thế, khoảng 6 tháng sau người làm đẹp cần tiến hành cấy mỡ bổ sung hoặc bác sĩ sẽ bơm mỡ dư ngay từ lần đầu (phải chịu “xấu” một thời gian sau khi thẩm mỹ). Mặc dù không “đụng” đến dao kéo, nhưng phẫu thuật này vẫn có thể bị sai sót như dễ bị nhiễm trùng vùng mỡ bơm vào trán. Nếu có biến chứng như vậy, bắt buộc bác sĩ sẽ rạch dẫn lưu cho mỡ ra.
Phương pháp độn bằng silicon: đây là phương pháp sử dụng chất độn bằng silicon, gore-tex để đặt vùng trán cần chỉnh. Với cách truyền thống, phương pháp này chỉ áp dụng cho những trường hợp bị chấn thương hoặc khiếm khuyết bẩm sinh khiến trán lõm một vùng nào đó. Trường hợp muốn độn trán vì thẩm mỹ thông thường sẽ không mang đến hiệu quả cao. Bệnh nhân được tư vấn và thăm khám làm một số xét nghiệm phẫu thuật. Bác sĩ thẩm mỹ sẽ tiến hành đo đạc vùng trán cần chỉnh và vẽ miếng silicon có kích thức phù hợp. Do miếng silicon không thể tương thích hoàn toàn với đường cong của trán nên bác sĩ phải mất khoảng 1 - 2 tuần để gọt thật tỉ mỉ miếng silicon. Người làm đẹp được gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường 2 - 3cm sát chân tóc để đưa vật độn vào trán. Để miếng silicon không bị xê dịch, bác sĩ sẽ bắt vít vật độn vào xương sọ rồi đóng vết mổ bằng chỉ khâu tự tiêu. Thời gian phẫu thuật từ 60 - 90 phút.
Các sao nữ như Lâm Tâm Như, Yoona hay Hwang Jung Eum đều bị nghi ngờ đã dùng phẫu thuật sử dụng vật liệu độn silicon để có vầng trán tròn trịa hơn. Với phương pháp này có ưu điểm là tạo độ lồi nhất định cho trán, đem lại hiệu quả vĩnh viễn, không biến dạng sau này. Đây cũng là phương pháp giúp tạo đường nét mềm mại và trẻ trung cho khuôn mặt ở góc nhìn chính diện lẫn nhìn nghiêng. Tuy nhiên, phương pháp này có khuyết điểm là mất nhiều thời gian và độ thẩm mỹ chưa cao, miếng silicon có thể bị lộ khi nhăn mặt, cười quá mức... và còn gây bóng thiếu tự nhiên nơi vùng trán.
Phương pháp mới hiện đại - tái tạo trán trên không gian 3 chiều
Có thêm một phương pháp mới trong việc cải thiện hình dạng trán, áp dụng cho mọi trường hợp có khiếm khuyết về trán. Người làm đẹp được trải nghiệm chụp citi 3D nên được quan sát chiếc trán của mình ở nhiều góc độ khác nhau. Kết hợp với những chỉnh sửa giả định, bác sĩ sẽ giúp người làm đẹp thể quan sát được chính xác sự thay đổi của chiếc trán sau thẩm mỹ trên màn hình. Từ đó, bác sĩ thực hiện và người làm đẹp thống nhất về dáng trán và khuôn mặt sau khi chỉnh sửa. Tiếp theo, máy sẽ chế tạo sọ trán bằng nhựa dựa trên hình ảnh 3 chiều ở trên và phòng kỹ thuật tạo ra miếng độn silicon phủ trên sọ trán nhựa. Miếng độn sẽ được vô trùng, sau đó, bác sĩ rạch đường mổ để đưa miếng độn vào trán. Bệnh nhân cần vệ sinh vết mổ hằng ngày nhưng tránh gội đầu trong tuần đầu tiên để vết mổ luôn sạch, khô thoáng. Đây là phương pháp hoàn toàn tối ưu, an toàn và mang đến độ thẩm mỹ cao.
Đặc biệt, nếu bạn có chiếc mũi thấp có thể cùng lúc tạo miếng silicon dính mũi chung với trán mà không cần thực hiện riêng. Nhưng thật tiếc là ở Việt Nam hiện nay chưa có một cơ sở nào áp dụng được kỹ thuật này để tái trạo trán trên không gian 3 chiều. Dự kiến, khoảng 1, 2 năm nữa các bác sĩ thẩm mỹ Việt Nam mới học và có kinh nghiệm để thực hiện theo phương pháp này.
Phẫu thuật trán chỉ dành cho những người: Trán hẹp và thấp. Trán xẹp hoặc vồ. Trán thấp làm gương mặt không có điểm nhấn. Xương hốc mắt nhô ra làm trán trông xẹp.
Cần lưu ý những điều sau trước khi phẫu thuật: Báo trước cho bác sĩ biết nếu bạn bị các bệnh sau: Tim, tiểu đường, cao huyết áp, viêm gan... Không hút thuốc, uống nước uống có cồn 1 tuần trước khi phẫu thuật. Trước phẫu thuật, không trang điểm đeo nữ trang, sơm móng tay hoặc đeo kính sát tròng khi đến bệnh viện. Chăm sóc sau phẫu thuật: Sau ngày thứ 3 có thể gội đầu nhưng nên tránh động tới phần phẫu thuật. Tránh động mạnh đến trán trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật để chất độn ổn định vị trí. Sau 2 tháng có thể uốn hoặc nhuộm tóc. Mắt có thể bị sưng tấy và dị ứng trong 2 - 3 ngày sau phẫu thuật. Tùy theo thể trạng từng người mà tốc độ sưng tấy khác nhau.