Sẹo hình thành sau khi vết thương trên da lành lặn. Tùy cơ địa từng người mà sẹo định hình ở nhiều dạng khác nhau: Sẹo phẳng, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại. Ngoài hình dạng thì sẹo cũng có 2 màu: Sẹo trắng, sẹo đen. Riêng sẹo lồi nổi gồ ghề trên bề mặt da, có màu đỏ hoặc tím do cơ thể sản xuất collagen quá mức trong quá trình lành vết thương, khiến các mô bị thừa, lồi lên trên da. Sẹo lồi gây đau, ngứa. Bài viết dưới đây giải thích về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẹo lồi để người bệnh hiểu hơn về cơ chế gây bệnh.
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là loại sẹo nổi gồ ghề trên bề mặt da do tăng sinh mô sợi quá nhiều so với vết thương và gây sẹo. Cụ thể, khi da bị thương, mô sợi hình thành để hồi phục vết thương. Thế nhưng, ở một số người, các mô sợi này tăng sinh quá mức tạo thành khối cứng, căng bóng gọi là sẹo lồi.
Hiện thế giới có khoảng 100 triệu người để lại sẹo do phẫu thuật hoặc chấn thương, trong đó 15% trường hợp mô sợi tiến triển quá mức thành sẹo phì đại hoặc sẹo lồi. Sẹo lồi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện mọi vị trí trên cơ thể nhưng thường xảy ra ở những vùng cơ thể như: Vai, dái tai, ngực, má, mông,…
Sẹo lồi trên dái tai thường tròn và chắc, trên các bộ phận khác của cơ thể sẽ có bề mặt phẳng hơn. Tuy nhiên, trên một số bộ phận của cơ thể như: Cổ, bụng, tai,… sẹo lồi hơi di chuyển khi chạm vào.
Sẹo lồi vượt ra ngoài ranh giới của vết thương ban đầu, xâm lấn sang vùng da bình thường lân cận. Dù sẹo lồi không gây hại cho sức khỏe, nhưng khiến người bệnh không tự tin, đặc biệt ở vùng cánh tay, chân,…
Triệu chứng dấu hiệu của sẹo lồi
Sẹo lồi lâu năm
Sẹo lồi có xu hướng phát triển chậm, lan rộng trong nhiều tuần, vài tháng, vài năm. Tuy nhiên, ở một số người, sẹo lồi có thể phát triển nhanh chóng, tăng gấp 3 lần trong vài tháng. Sẹo lồi có kích thước khác nhau, người bệnh sẽ cảm thấy mềm, ngứa hoặc đau khi sẹo lồi phát triển. Triệu chứng này thường hết khi sẹo lồi ngừng phát triển.
Sẹo lồi mới hình thành
Cơ thể sản xuất quá nhiều collagen trong quá trình hình thành sẹo để phục hồi vết thương. Trong cơ thể, collagen có vai trò duy trì độ đàn hồi của da, hỗ trợ cấu trúc cơ, xương, mô.
Sẹo lồi thường xuất hiện khoảng 3 - 12 tháng sau chấn thương. Lúc đầu, sẹo lồi có màu đỏ, hồng hoặc tím nhưng cuối cùng sẽ chuyển sang màu sẫm hơn da, phần viền cũng đậm hơn phần trung tâm. Những vết sẹo này xuất hiện với dạng những cục da bóng, không có lông. (1)
Nguyên nhân hình thành sẹo lồi
Có nhiều nguyên nhân hình thành sẹo lồi thường gặp như:
- Xỏ lỗ tai.
- Nổi mụn trứng cá hoặc thủy đậu (thường gặp ở mặt, ngực, lưng).
- Vết thương: vết thủng, bỏng, vết cắt, vết cạo râu, vết cắn của động vật, phẫu thuật, thủ thuật, tiêm.
Sẹo lồi có gây hại không?
Không. Dù sẹo lồi gây ngứa, đau, khó chịu nhưng không gây hại cho sức khỏe.
Sẹo lồi không phải bệnh lây nhiễm, cũng không phải ung thư. Nếu người bệnh từng có một vết sẹo lồi thì khả năng sẽ có thêm những vết sẹo lồi khác. Sẹo lồi không mờ dần theo thời gian, để giảm sự xuất hiện của sẹo lồi, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị sớm.
Yếu tố tăng nguy cơ sẹo lồi
- Melanin: Là sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc, mắt. Khi cơ thể càng sản xuất nhiều melanin, các bộ phận này càng sẫm màu. Khi da tổn thương, cơ thể sẽ sản sinh ra các tế bào tạo sắc tố (tế bào hắc tố) nên ở vùng bị thương có nhiều melanin hơn. Do đó, người da đen có nhiều hắc tố hơn các chủng tộc khác nên khả năng bị sẹo lồi cao hơn.
- Gen: Khoảng 1/3 số người bị sẹo lồi có người thân trong gia đình từng bị sẹo lồi (phổ biến ở những người gốc Phi hoặc châu Á.)
- Độ tuổi (10 - 30 tuổi): Sẹo lồi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng độ tuổi từ 10 - 30 tuổi là giai đoạn dễ hình thành sẹo lồi do collagen hoạt động mạnh hơn.
- Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thai kỳ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi. (2)
Chẩn đoán sẹo lồi như thế nào?
Có thể chẩn đoán sẹo lồi dễ dàng bằng nhìn, sờ vết sẹo. Khi sẹo lồi quá phát, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết da để loại trừ ung thư da.
Sinh thiết da là một thủ thuật tiểu phẫu, bác sĩ da liễu gây tê và mổ cắt sang thương da rồi gửi đến khoa giải phẫu bệnh để kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu người bệnh bị sẹo lồi, bác sĩ da liễu sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng da của bệnh nhân.
Thời gian phát triển của sẹo lồi
Sau khi da bị thương, sẹo lồi có thể hình thành từ 3 - 12 tháng hoặc lâu hơn. Da dày lên là dấu hiệu đầu tiên của sẹo lồi, khoảng 20% sẹo lồi xuất hiện sau một năm chấn thương.
Sẹo lồi có chữa được không?
Sẹo lồi là khối u lành tính (không phải ung thư), tuy nhiên sẹo lồi khó chữa dứt điểm, thường phát triển trở lại ngay cả sau khi được phẫu thuật cắt bỏ. Nếu đã từng có sẹo lồi, người bệnh nên cẩn thận khi có vết thương ở da. Nếu phải phẫu thuật, nên tham vấn các bác sĩ để phòng ngừa sẹo lồi.
Các phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi, bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị tùy vào tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị sẹo lồi thường sử dụng như:
- Chăm sóc vết thương: Đối với sẹo lồi mới, phương pháp điều trị có thể là băng ép từ vải co giãn hoặc các vật liệu khác. Phương pháp này được sử dụng sau khi phẫu thuật xóa sẹo lồi. Để làm giảm hoặc ngăn ngừa sẹo sau phẫu thuật thì cần tạo áp lực lên vết thương bằng cách đeo băng ép từ 12 - 24 giờ mỗi ngày và kéo dài từ 4 - 6 tháng để có hiệu quả. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này, người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
- Dùng kem corticosteroid: Bôi kem corticosteroid theo toa để giúp giảm ngứa.
- Thuốc tiêm: Nếu sẹo lồi nhỏ, bác sĩ sẽ làm giảm độ dày của sẹo bằng cách tiêm cortisone hoặc các steroid khác. Người bệnh cần tiêm thuốc hàng tháng (tối đa 6 tháng) trước khi vết sẹo phẳng lại. Tuy nhiên, khi tiêm corticosteroid sẽ dễ gây các tác dụng phụ như: làm mỏng da, nổi vân mạng nhện, thay đổi màu da (giảm hoặc tăng sắc tố da).
- Áp lạnh: Các sẹo lồi nhỏ muốn làm giảm hoặc loại bỏ chúng sẽ đông lạnh bằng nitơ lỏng. Các tác dụng phụ xảy ra khi dùng phương pháp này như: phồng rộp, đau, mất màu da (giảm sắc tố).
- Điều trị bằng laser: Sẹo lồi lớn được làm phẳng bằng việc điều trị với nhiều phiên laser nhuộm xung (từ 4 - 8 tuần giữa các phiên) để giảm ngứa, làm mờ sẹo. Bác sĩ có thể kết hợp liệu pháp laser với tiêm cortisone. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm: giảm hoặc tăng sắc tố, phồng rộp, đóng vảy (phổ biến hơn ở những người có làn da sẫm màu).
- Phóng xạ: Dùng bức xạ (Photpho 32 hoặc tia X) mức độ thấp giúp thu nhỏ hoặc giảm mô sợi tạo sẹo. Thế nhưng, bức xạ có tác dụng phụ dễ gây biến chứng ung thư da.
- Phẫu thuật: Nếu khi áp dụng các phương pháp điều trị trên mà không giảm sẹo lồi, bác sĩ sẽ loại bỏ chúng bằng cách phẫu thuật kết hợp với các phương pháp khác.
Cách phòng ngừa sẹo lồi hiệu quả
Nếu cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình đã bị sẹo lồi nên thận trọng trong việc thực hiện các việc sau để ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi: (3)
- Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể.
- Không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ (nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi).
- Chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức (dù vết thương nhỏ) để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo (liên hệ bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, băng bó vết thương đúng cách).
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có chuyên khoa Da liễu, với bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên chẩn đoán, điều trị sẹo và các bệnh về da khác. Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ da liễu sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Sẹo lồi không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện sẹo lồi, người bệnh cần đến bác sĩ da liễu để khám, điều trị sớm, tránh sẹo lồi lan rộng, khó điều trị.