Hệ hô hấp là một trong những cơ quan thiết yếu nhất của cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng, duy trì sự sống của con người. Vậy hệ hô hấp ở người là gì? Hệ hô hấp gồm những bộ phận nào? Chức năng của hệ hô hấp ra sao? Vai trò, hoạt động của như thế nào? Vì sao hệ hô hấp là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể? Bài viết sẽ cung cấp đến bạn những nội dung cơ bản này.
Hệ hô hấp là gì?
Hệ hô hấp bao gồm các cơ quan mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang lồng ngực và các cơ hô hấp tham gia vào quá trình hô hấp, giúp con người có thể duy trì hoạt động trao đổi Oxy và đào thải Carbon Dioxide (CO2).
Những bộ phận trong hệ hô hấp phối hợp với nhau để luân chuyển Oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ khí thải như CO2.
Tất cả các tế bào trong cơ thể đều cần Oxy để hoạt động. Tế bào hấp thụ Oxy và thải ra CO2. CO2 sẽ đi vào máu và được đưa đến phổi. Lúc này, hoạt động của hệ hô hấp sẽ giúp cơ thể đào thải CO2. Chức năng này diễn ra liên tục trong mỗi giây, mỗi phút. (1)
Đường hô hấp là gì?
Đường hô hấp là đường dẫn khí từ môi trường bên ngoài vào phổi. Đường hô hấp được tính từ mũi đến phế nang trong phổi.
Dựa trên đặc điểm cấu tạo giải phẫu, đường hô hấp được chia thành đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Trong đó, đường hô hấp trên gồm các bộ phận mũi, miệng, họng, hầu, xoang và thanh quản; đường hô hấp dưới gồm khí quản, cây phế quản và phế nang.
Hệ hô hấp gồm những cơ quan nào?
Để có thể hiểu rõ vai trò hệ hô hấp, trước tiên cần biết những cơ quan thuộc hệ hô hấp. (2)
1. Mũi
Mũi nằm ở phần đầu mặt của cơ thể, phía trên miệng và giữa khuôn mặt. Cấu tạo của mũi gồm xương mũi, sụn mũi, mũi ngoài và mũi trong (bao gồm khoang mũi, nền mũi, vách ngăn mũi, lỗ mũi sau, tiền đình mũi, lỗ van mũi). Trong đó, khoang mũi rộng, chứa không khí bên trong. Khi hít vào, không khí đi qua khoang mũi sẽ được làm ấm và ẩm. Lúc này, lông mũi thực hiện chức năng “bẫy” các hạt bụi lạ với kích thước lớn hơn 10 PM (lông mũi thường không cản được các loại bụi có kích thước nhỏ dưới 10 PM, bụi mịn là 2,5 PM) trong không khí trước khi đi sâu hơn vào mũi.
2. Miệng
Miệng là một phần thuộc hệ hô hấp do không khí đi từ miệng vào trong phổi. Tuy nhiên, không khí đi qua miệng sẽ không được làm ẩm hay làm ấm như khi đi qua mũi.
3. Hầu - họng
Hai lỗ của đường thở (khoang mũi và miệng) gặp nhau tại hầu họng. Đây là một cấu trúc dạng ống nối khoang mũi và phần phía sau miệng và các bộ phận khác ở phía dưới cổ họng, bao gồm thanh quản.
Cả không khí và đồ ăn, khi được nuốt đều đi qua hầu họng. Do vậy, đây là một phần của cả hệ hô hấp và tiêu hóa. Không khí đi từ khoang mũi qua hầu họng đến thanh quản và ngược lại. Đồ ăn đi từ miệng qua hầu họng đến thực quản.
4. Thanh quản
Thanh quản là một cơ quan quan trọng của hệ hô hấp. Thanh quản cho phép bạn thực hiện các hoạt động thở, nuốt và nói chuyện, hát, la hét. Do đó, thanh quản còn được gọi là “hộp giọng nói”. Bên trong thanh quản có chứa các dây thanh âm. Các dây này sẽ đóng mở nhịp nhàng, tạo thành âm thanh thông qua chuyển động và rung động của chúng khi không khí đi qua.
5. Nắp thanh quản
Trong hệ hô hấp, nắp thanh quản chính là vạt mô nằm trước hầu và khoang thanh quản. Nắp thanh quản sẽ đóng lại khi bạn nuốt thức ăn để giữ thức ăn và chất lỏng không đi qua đường thở.
6. Khí quản
Khí quản là đoạn nối cổ họng và phổi, nằm ở vùng cổ trước và thuộc hệ hô hấp dưới. Khí quản kết nối thanh quản đến phổi để không khí đi qua đường hô hấp. Các khí quản nhánh ở phía dưới tạo thành hai ống phế quản. Hình ảnh giải phẫu học cho thấy, khí quản tiếp nối với hệ phế quản của phổi tại ngã ba khí - phế quản.
Khí quản rộng khoảng 2,5cm và dài 10cm - 15cm; được hình thành bởi các vòng sụn, kết nối với nhau bằng các dây chằng vòng, tạo sự liên kết và có tính đàn hồi. Khí quản đóng vai trò là một ống dẫn không khí ra - vào phổi.
7. Phế quản
Phế quản là hai ống lớn mang không khí từ khí quản đến phổi. Phế quản được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái. Phế quản có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi.
Mỗi phế quản chính phân nhánh thành nhiều phế quản thứ cấp nhỏ hơn, giống như một cây cổ thụ to phân thành nhiều cành nhỏ. Từ các nhánh phế quản thứ cấp tiếp tục phân nhánh thành các phế quản nhỏ hơn. Sự phân nhánh này diễn ra làm cho các nhánh phế quản ngày càng nhỏ dần. Ống phế quản nhỏ nhất gọi là tiểu phế quản.
Một số bệnh lý hô hấp như hen suyễn hoặc viêm phế quản, có thể ảnh hưởng đến phế quản.
8. Tiểu phế quản
Ở cuối phế quản, các tiểu phế quản mang không khí đến phế nang. Các phế nang thực hiện quá trình trao đổi khí của cơ thể.
9. Phế nang
Phế nang là một túi nhỏ nằm trong phổi, ở vị trí cuối tiểu phế quản. Cơ thể con người có khoảng 600 triệu phế nang. Các phế nang được bao quanh bởi một mạng lưới các mạch máu nhỏ gọi là mao mạch. Tại đây, Oxy sau khi được hấp thu vào máu.
10. Phổi
Phổi là cơ quan lớn nhất của đường hô hấp. Phổi chính là mạng lưới các đường dẫn khí ,mạch máu và mô cho phép duy trì hoạt động thở.
Cơ thể con người có hai lá phổi, nằm ở mỗi bên ngực (giữa cổ và bụng). Phổi khỏe mạnh thường có màu xám hồng. Phổi bị tổn thương có màu xám đậm hơn và có thể xuất hiện các đốm đen. Một lá phổi của người trưởng thành nặng khoảng gần 1kg, dài khoảng 23cm khi thở bình thường và khoảng 27cm khi phổi nở hoàn toàn.
Trong hệ hô hấp, phổi giúp cung cấp Oxy và loại bỏ các khí khác (vi dụ CO2) khỏi cơ thể. Quá trình này diễn ra từ 12 đến 20 lần mỗi phút.
11. Thùy phổi
Mỗi lá phổi được chia thành nhiều phần, được gọi là thùy. Các thùy được ngăn cách bởi các mô liên kết.
Phổi bên phải có ba thùy, còn phổi bên trái có hai thuỳ.
- Phổi phải:
- Thùy trên gồm: phân thùy đỉnh, phân thùy sau và phân thùy trước.
- Thùy giữa gồm: phân thùy sau - ngoài và phân thùy trước - trong.
- Thùy dưới gồm: phân thùy đỉnh, phân thùy đáy trong, phân thùy đáy trước, phân thùy đáy bên và phân thùy đáy sau.
- Phổi trái:
- Thùy trên gồm: phân thùy đỉnh, phân thùy sau, phân thùy trước, phân thùy lưỡi và phân thùy lưỡi dưới.
- Thùy dưới gồm: phân thùy đỉnh, phân thùy đáy trước, phân thùy đáy bên và phân thùy đáy sau.
12. Màng phổi
Màng phổi chính là các màng sợi mỏng bao quanh mỗi thùy phổi và tách phổi ra khỏi thành ngực. Màng phổi tự gập lại tạo thành rảnh liên thuỳ, màng phổi hai lớp. Lớp bên ngoài là màng phổi thành bám vào thành ngực. Lớp bên trong là màng phổi nội tạng; bao phủ phổi, mạch máu, dây thần kinh và phế quản.
13. Một số bộ phận khác
Ngoài những bộ phận trên, hệ hô hấp con người còn có một số cơ quan nhỏ khác như:
- Cơ hoành: là cơ hô hấp chính giúp phổi hít và đẩy không khí vào ra.
- Xương sườn: bao quanh và bảo vệ phổi và tim.
- Mao mạch: Các mạch máu trong thành phế nang vận chuyển Oxy và CO2.
Vai trò của hệ hô hấp
Hệ hô hấp giúp dẫn khí và trao đổi khí để duy trì sự sống cho các tế bào trong cơ thể. Hệ hô hấp còn giúp tạo âm thanh như tiếng nói để con người có thể duy trì chức năng giao tiếp. Từng bộ phận của hệ hô hấp sẽ thực hiện các chức năng khác nhau để duy trì hoạt động hô hấp diễn ra một cách suôn sẻ.
Chức năng của hệ hô hấp
Ngoài chức năng hít thở, hệ hô hấp còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng khác:
- Hít vào và thở ra: Hệ thống hô hấp giúp duy trì hoạt động hít thở của con người. Không khí hít vào qua mũi sẽ di chuyển qua hầu, thanh quản, khí quản và vào phổi. Không khí được thở ra trở lại theo cùng một con đường. Những thay đổi về thể tích và áp suất trong phổi hỗ trợ quá trình hô hấp. Phổi chỉ thực hiện trao đổi hai loại khí là Oxy và CO2.
- Trao đổi khí giữa phổi và máu: Bên trong phổi, Oxy và CO2 lần lượt đi vào và thoát ra thông qua các phế nang. Oxy sau khi được hít vào sẽ khuếch tán vào mao mạch phổi, liên kết với huyết sắc tố và được vận chuyển khắp cơ thể qua hệ tuần hoàn. CO2 từ máu khuếch tán vào phế nang và được thải ra ngoài qua đường thở ra.
- Trao đổi khí giữa máu và mô cơ thể: Máu mang Oxy từ phổi đi khắp cơ thể và giải phóng Oxy khi đến các mao mạch. Oxy được khuếch tán qua thành mao mạch vào các mô của cơ thể. Carbon Dioxide cũng khuếch tán vào máu và được đưa trở lại phổi để thải ra ngoài.
- Tạo âm thanh: Hệ thống hô hấp của con người chịu trách nhiệm tạo ra âm thanh. Trong khi nói, các cơ ở thanh quản sẽ di chuyển sụn phễu. Những sụn phễu này đẩy các dây thanh âm lại với nhau. Khi thở ra, không khí đi qua dây thanh âm sẽ làm dây thanh rung động và tạo ra âm thanh. Độ to của giọng nói không đến từ dây thanh âm mà đến từ lượng không khí hít vào hoặc thở ra.
- Kích thích khứu giác duy trì hoạt động ngửi: Trong quá trình hít vào, khi không khí đi vào khoang mũi, một số hóa chất có trong không khí sẽ kích hoạt các thụ thể của dây thần kinh khứu giác trên lông mao. Các tín hiệu được gửi đến khứu giác thông qua não.
- Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại: Môi trường bên ngoài chứa nhiều yếu tố gây hại như phấn hoa, bụi, Virus, vi khuẩn. Chức năng của hệ hô hấp giúp ngăn ngừa những tác nhân này. Lông mũi giúp ngăn cản các hạt bụi lớn từ không khí vào phổi, trong khi lông mao đưa các chất nhầy có chứa vi khuẩn, bụi bẩn… đến thực quản hoặc nuốt vào. Chất nhầy sau khi nuốt vào sẽ xuống dạ dày. Tại đây, vi khuẩn, bụi hoặc Virus… sẽ bị hòa tan và phân hủy bởi Axit của dạ dày.
- Điều hòa lượng máu và huyết áp: Khi thể tích máu và huyết áp thấp, phổi chứa một loại Enzyme gọi là ACE có tác dụng chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II trên bề mặt hoặc nội mô phổi. Angiotensin II là Hormone Peptide có tác dụng kích thích các cơ quan và hệ thống khác giúp tăng thể tích máu và huyết áp.
Một số bệnh thường gặp ở hệ hô hấp
Các bệnh thường gặp ở hệ hô hấp bao gồm: (3)
- Hen suyễn: Theo WHO, hen suyễn là một bệnh thường gặp ở hệ hô hấp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cung cấp thêm thông tin, các yếu tố phổ biến nhất gây ra bệnh hen suyễn là người có cha mẹ mắc bệnh hen suyễn, bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng khi còn nhỏ, mắc bệnh dị ứng hoặc tiếp xúc với một số chất kích thích hóa học hoặc bụi công nghiệp ở nơi làm việc.
- Giãn phế quản: Giãn phế quản là tình trạng đường thở của phổi bị giãn rộng trong một thời gian dài, dẫn đến tích tụ chất nhầy dư thừa có thể khiến phổi dễ bị nhiễm trùng hơn. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh giãn phế quản là ho dai dẳng, có đờm.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp là bệnh thường gặp, đặc biệt ở trẻ em. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra cả đường hô hấp trên (bao gồm cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản,… và dưới (bao gồm viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, viêm phổi).
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh viêm phổi mãn tính gây ra tình trạng tắc nghẽn luồng khí của phổi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, tiết chất nhầy (đờm), thở khò khè. Tình trạng này thường xảy ra do tiếp xúc lâu dài với các loại khí gây kích ứng khói bụi ,thuốc lá…. Những người mắc bệnh COPD có nguy cơ cao mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều tình trạng khác.
- Viêm phổi: Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ở nhu mô phổi, ở một hoặc cả hai phổi. Các phế nang có thể chứa đầy dịch hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Nhiều loại sinh vật, bao gồm vi khuẩn, Virus và nấm, có thể gây viêm phổi.
- Bệnh lao: Vi khuẩn lao là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh lao thường ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể liên quan đến thận, cột sống hoặc não.
- Ung thư phổi: Ung thư phổi là tình trạng các tế bào trong phổi thay đổi phát triển vượt qua mức độ kiểm soát cơ thể và phát triển thành khối u. Nguyên nhân phổ biến là do hút thuốc hoặc hít phải các hóa chất độc hại.
- Xơ phổi: Xơ phổi là tình trạng các mô xung quanh phế nang, và mô liên kết trong phổi bị tổn thương. Triệu chứng phổ biến nhất của xơ phổi là khó thở. Hầu hết nguyên nhân gây xơ phổi không được biết rõ. Hút thuốc và tiền sử gia đình mắc bệnh xơ phổi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tràn dịch màng phổi: Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ chất lỏng bất thường trong khoang màng phổi. Tình trạng xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.
- Xơ nang: Là chứng rối loạn gây tổn thương phổi, đường tiêu hóa và các cơ quan khác. Đây là bệnh di truyền do một Gen khiếm khuyết gây ra và có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xơ nang ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất chất nhầy, mồ hôi và dịch tiêu hóa.
- Bệnh Sarcoidosis: Sarcoidosis là bệnh đặc trưng bởi sự phát triển của các tập hợp tế bào viêm (u hạt) xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là phổi và các hạch bạch huyết.
Lời khuyên để duy trì hệ hô hấp khỏe mạnh
Duy trì hệ hô hấp khỏe mạnh, phòng tránh mắc phải các bệnh lý đường hô hấp, cần lưu ý những điều sau:
- Hít thở sâu và đúng cách: Học cách hít thở sâu để cung cấp đủ lượng Oxy cho cơ thể. Những bài tập hít thở của Yoga giúp cải thiện chất lượng hơi thở.
- Không hút thuốc: Hút thuốc gây kích thích hệ hô hấp, gây viêm mạn đường dẫn khí và gây khó thở. Thói quen này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD và ung thư phổi.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe của hệ hô hấp và cải thiện sự linh hoạt của phổi. Các lựa chọn như đi bộ, chạy, bơi lội hoặc đạp xe giúp tăng cường sức khỏe của hệ hô hấp.
- Áp dụng các biện pháp ngăn nhiễm trùng: Bạn nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, không khí ô nhiễm ở mức cao, môi trường khói thuốc… để bảo vệ đường hô hấp. Thường xuyên rửa tay, tiêm Vaccine cúm mỗi năm, trồng cây xanh xung quanh nhà, khu vực làm việc… cũng là những cách phòng bệnh hô hấp hiệu quả.
- Thêm độ ẩm vào không khí: Sử dụng máy tạo ẩm trong môi trường không khí khô sẽ giữ cho niêm mạc không bị khô và giữ ẩm cho phổi.
- Dùng hóa chất tẩy rửa an toàn: Sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa không chứa chất gây hại để tránh tác động tiêu cực đến hệ hô hấp.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau xanh, uống đủ nước (nước ấm) giúp duy trì sức khỏe đường hô hấp.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc làm này giúp phát hiện sớm các vấn đề hô hấp, từ đó có giải pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Mỗi cơ quan trong hệ hô hấp sẽ duy trì các chức năng khác nhau, giúp cơ thể duy trì hoạt động hít thở, phát ra âm thanh, duy trì khứu giác nhạy bén… Tuy nhiên, hệ hô hấp cũng dễ bị tổn thương, mắc bệnh bởi các yếu tố bên ngoài, do đó cần thăm khám, áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp.