Báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024 của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cho thấy đến tháng 10, chuỗi Bách Hóa Xanh đang có 1.735 cửa hàng, tăng 9 cửa hàng so với tháng 9, trong khi doanh thu đạt được là hơn 3.600 tỷ đồng, doanh thu bình quân trong tháng duy trì khoảng 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.
Như vậy, sau khi đạt được mức doanh thu tháng 3.600 tỷ đồng và doanh thu bình quân 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng từ tháng 6/2024, đến nay, tăng trưởng của Bách Hóa Xanh đã chững lại dù chuỗi này tăng thêm 34 cửa hàng trong 4 tháng qua.
Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa đầu năm, lũy kế 10 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn tăng gần 34% so với cùng kỳ, đạt gần 33.900 tỷ đồng, trong đó, các ngành hàng đều đạt mức tăng trưởng hai chữ số.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý III/2024 mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết, Bách Hóa Xanh vẫn là chuỗi bán lẻ còn non trẻ, cho nên vẫn dành sự chú ý lớn đến việc mở rộng.
Với đà tăng trưởng đang chững lại ông Tài cho rằng doanh thu của chuỗi siêu thị mini này trong quý IV/2024 có thể khó đạt tăng trưởng cao như giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, lãnh đạo MWG dự tính thúc đẩy chỉ tiêu này trong tương lai gần, thậm chí đặt ưu tiên cao hơn so với việc gia tăng lợi nhuận.
“Việc thúc đẩy doanh thu không đồng nghĩa chúng tôi không đảm bảo hiệu quả sinh lời. Nhưng chắc chắn, tốc độ tăng doanh thu sẽ lớn hơn rất nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận trong vài năm tới”, Chủ tịch MWG nói.
Thực tế, thời gian qua nhờ doanh thu tăng trưởng kết hợp với tập trung tiết giảm các chi phí vận hành cửa hàng và chi phí logistics, Bách Hóa Xanh đã bắt đầu có lãi 7 tỷ đồng trong quý II và 90 tỷ đồng trong quý III/2024, đưa lỗ lũy kế về mức 7.095 tỷ đồng đến ngày 30/9/2024.
Cũng theo lãnh đạo MWG, hiện nay là giai đoạn phù hợp để Bách Hoá Xanh triển khai chiến lược mở rộng, gia tăng doanh số bởi công ty lúc này đã có nguồn lực trở lại sau giai đoạn khó khăn. Vào đầu năm, MWG huy động được 1.770 tỷ đồng vốn từ đối tác ngoại.
Bách Hoá Xanh đang tái khởi động quá trình mở mới cửa hàng sau 2 năm tập trung tối ưu vận hành hệ thống, đóng cửa hàng loạt cửa hàng kém hiệu quả và tìm ra công thức thành công. Mục tiêu năm 2024, Bách Hoá Xanh khai trương tối thiểu 50 cửa hàng mới, năm 2025 sẽ khai trương 100-200 cửa hàng, dù chưa xác định một kế hoạch chính thức.
Theo đó, các cửa hàng mới mở tại những khu vực đã có sự hiện diện cửa hàng dự kiến đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng sau 3 tháng khai trương, trong khi mở tại các khu vực mới hoàn toàn thì doanh thu kỳ vọng trên 1,2 tỷ đồng.
Về kế hoạch Bắc tiến, lãnh đạo MWG cho hay Bách Hoá Xanh chưa có ý định rầm rộ tiến ra Bắc và đang cân nhắc mở cửa hàng thử nghiệm ở một tỉnh thuộc khu vực nhưng chưa quyết định là ở đâu.
Bách Hóa Xanh hiện đang là chuỗi bán lẻ đang được Thế Giới Di Động kỳ vọng sẽ "gánh" tăng trưởng của MWG trong 5 năm tới giữa bối cảnh các mảng kinh doanh như bán lẻ thiết bị công nghệ và điện máy dần trở nên bão hoà.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh đạt 74.600 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10, doanh thu của hai chuỗi đạt 7.900 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ và so với tháng 9/2024 với động lực tăng trưởng chính đến từ ngành hàng iPhone (tăng gần 50% so với tháng 9), trong khi các sản phẩm máy lạnh và máy tính xách tay đã qua mùa cao điểm bánhàng.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng, trong quý III vừa qua, kết quả kinh doanh của MWG tiếp tục duy trì đà phục hồi là nhờ mùa cao điểm tựu trường, chu kỳ đổi mới điện thoại di động cũng như chuỗi Bách Hóa Xanh duy trì đà tăng trưởng.
DSC kỳ vọng với nhu cầu đổi mới điện thoại duy trì cho đến hết năm, hiệu ứng iPhone 16, cũng như doanh thu từ Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu mùa sắm dịp Tết, kết hợp với việc MWG đang mở rộng thị phần ở mảng ICT thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong quý cuối năm.
Đồng thời, DSC cho rằng việc truy thu thuế từ hoạt động kinh doanh online sẽ tạo sân chơi công bằng hơn, khi MWG sẽ không phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không công bằng từ các đối thủ kinh doanh online không chịu thuế.
"MWG sẽ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh này nhờ hệ thống bảo dưỡng và dịch vụ hậu mãi vượt trội so với các doanh nghiệp nhỏ lẻ hay các đơn vị kinh doanh hàng xách tay khác. Ngoài ra, hiện nay MWG đã nhập sản phẩm trực tiếp từ các hãng thay vì thông qua các nhà phân phối lớn, giúp giá bán sản phẩm được điều chỉnh hợp lý hơn, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường", DSC nhận định.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ MWG, lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia không tác động đáng kể đến hoạt động của EraBlue, bởi các sản phẩm khác của Apple vẫn được phép kinh doanh bình thường, trong khi chính phủ kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến hàng xách tay và nhập lậu. Apple cũng đang dự kiến chi 100 triệu USD nhằm gỡ bỏ lệnh cấm đối với iPhone 16, qua đó kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu mua sắm điện thoại mới tại quốc gia này.
Trên cơ sở này, DSC tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của EraBlue, nhờ lợi thế vượt trội về tốc độ vận chuyển và lắp đặt so với các đối thủ trong ngành.